Ngày 8/02, sau khi tiến hành kiểm tra 4 trong 5 chương trình tài trợ nhận được từ Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét (GF). Văn phòng Tổng thanh tra (OIG) nước Cộng hòa thống nhất Tanzania đã công bố một Báo cáo kiểm toán dài 27 trang và nhấn mạnh, các đơn vị được giao trách nhiệm quản lý chương trình tài trợ thuộc Bộ Tài chính và Bộ Y tế đã không thực hiện đầy đủ các điều khoản liên quan đến công tác quản lý, giám sát kinh phí tài trợ, để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng, dẫn đến thất thoát những khoản kinh phí khổng lồ.
Tanzania là một trong những nước được nhận các khoản tài trợ lớn nhất từ GF, tính đến nay nước này đã nhận khoảng 1,6 tỷ USD từ Quỹ này. Trong 4 chương trình tài trợ, Tanzania được cấp 969 triệu USD, 701 triệu USD được giải ngân tại thời điểm OIG tiến hành cuộc kiểm toán trên. Các kiểm toán viên đã kiểm tra kỹ lưỡng 10 đơn vị được nhận tài trợ; tổ chức các chuyến thực địa đến 55 bệnh viện, các cơ sở, trung tâm y tế huyện, khu vực, 50 ngôi nhà được xây dựng cho nhân viên y tế thuộc diện chính sách và 3 trường Y dược được nhận kinh phí cải tạo trong chương trình tài trợ phát triển hệ thống y tế, giáo dục.
Báo cáo chỉ ra rằng, sự tắc trách của các cơ quan quản lý dẫn đến tình trạng nhiều sản phẩm y tế bị phân phối tùy tiện, không đến tay đúng đối tượng. Công tác kiểm soát tài chính vô cùng lỏng lẻo, điển hình là việc số lượng danh mục sản phẩm y tế các trung tâm được nhận ít hơn rất nhiều so với số lượng GF đã tài trợ, các sản phẩm thiếu hụt có giá trị tới 1,55 triệu USD. Không những thế, 9,6 triệu USD đã được chi sai mục đích, nhiều khoản không nằm trong hạng mục được hỗ trợ. OIG cho biết thêm, nhiều cơ quan y tế huyện và khu vực không có đủ hồ sơ đối tượng hợp lệ vẫn được nhận tới 50 các sản phẩm tài trợ, từ 40 đến 50 số lượng các bộ dụng cụ xét nghiệm HIV, sốt rét và thuốc chống sốt rét cũng bị phân phối sai đối tượng vì mục đích biển thủ quỹ tài trợ... Ban Thư ký điều phối quốc gia chưa quản lý hiệu quả các đối tượng trong diện được nhận tài trợ, hỗ trợ; việc giải ngân quỹ trợ cấp thường xuyên chậm trễ, trung bình chậm tới 150 ngày so với kế hoạch, báo cáo tiến độ công việc cũng thường bị nộp muộn cho GF.
Những phát hiện của cuộc kiểm toán cho thấy Bộ Tài chính và Bộ Y tế Tanzania thực sự hoạt động kém hiệu quả, không có phương án giải quyết các vấn đề phát sinh, không hoàn thành vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, giám sát các khoản tài trợ đặc biệt quan trọng đối với một đất nước vốn nghèo nàn, lạc hậu lại đang phải gánh thêm số lượng bệnh nhân AIDS, lao và sốt rét vô cùng lớn.
Tanzania có tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV cao thứ 7 toàn cầu (chiếm 4,63), khoảng 1,5 triệu người đang sống chung với HIV, 28 trong số đó là trẻ em dưới 15 tuổi. Đây cũng là nước có số người mắc sốt rét cao thứ 4 và số bệnh nhân lao chiếm 1 toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới cho biết, số lượng người nhiễm AIDS, lao và sốt rét tại Tanzania đang tăng nhanh, đến năm 2017 nước này phải cần tài trợ thêm ít nhất 232 triệu USD cho công tác điều trị, tình trạng thiếu thuốc sẽ còn nghiêm trọng hơn năm 2015 rất nhiều. Nếu không có biện pháp hiệu quả giải quyết tình trạng trên, sự thiếu hụt này sẽ gây ra nhiều khó khăn trong công tác điều trị, làm ảnh hưởng đến những mục tiêu giúp đỡ Tanzania của cộng đồng quốc tế đã đạt được trong các chương trình phòng, chống HIV những năm qua.
Lần gần đây nhất OIG tiến hành kiểm toán các khoản tài trợ Tanzania được nhận từ GF là vào năm 2009. Trong một loạt sai phạm Báo cáo kiểm toán mới nhất vừa nêu, có nhiều vấn đề OIG đã chỉ ra trong báo cáo năm 2009, tuy nhiên, những sai sót đó vẫn chưa được giải quyết, thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều đó một lần nữa nhấn mạnh rằng, công tác ủy thác và quản lý tài chính các cấp tại Tanzania thực sự cần một cuộc cải cách.
OIG đang tiếp tục điều tra những sai phạm trên, đồng thời khẩn trương vạch ra những biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền từ công đoạn tiếp nhận đến quản lý, giám sát việc sử dụng các khoản tài trợ. GF cũng đang lên kế hoạch hành động nhằm cải thiện tình trạng quản lý yếu kém dẫn đến những tổn hại lớn về tài chính, đồng thời, cung cấp những hướng dẫn, yêu cầu cụ thể đối với các cơ quan quản lý tài trợ nhằm đảm bảo Quỹ được sử dụng đúng mục đích.
(Theo Allafrica và Global Fund)
(Báo Kiểm toán số 11/2016)