(sav.gov.vn) - Ngày 27/6/2025, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 77/2013 và 77/2020 về xử phạt hành vi liên quan đến thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá nung nóng (TLNN) do Bộ Y tế soạn thảo đã gây nhiều tranh luận. Các ý kiến tập trung vào khái niệm sản phẩm, hình thức xử phạt và tính khả thi trong thực thi, phản ánh những thách thức lớn trong việc thực hiện Nghị quyết 173/2024/QH15 cấm TLĐT, TLNN và các sản phẩm gây nghiện mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: ST
Dự thảo đề xuất hai phương án: gộp TLĐT, TLNN và “thuốc lá thế hệ mới” (TLTHM) vào một khái niệm chung để bao quát cả sản phẩm lai và các sản phẩm tương lai, hoặc tách biệt từng loại. Tuy nhiên, việc định nghĩa và phân loại các sản phẩm này đang gặp khó khăn. Ông Nguyễn Đức Lê, đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thừa nhận tại tọa đàm tháng 4/2025 rằng cơ quan chức năng còn lúng túng trong việc xác định TLĐT và mức độ tác hại khi kiểm tra, thanh tra. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) phân loại TLNN là sản phẩm thuốc lá, không phải TLĐT, và cần quản lý theo khung pháp lý áp dụng cho thuốc lá điếu truyền thống.
Vấn đề xử phạt cũng gây tranh cãi. Dự thảo đề xuất phạt không chỉ người sử dụng mà cả những cá nhân không ngăn cản người khác hút TLĐT, với mức phạt từ 5-10 triệu đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng quy định này thiếu tính khả thi, bởi người dân khó nhận biết và phân loại chính xác TLĐT, TLNN hay TLTHM. Việc áp dụng xử phạt trong trường hợp người dân không có quyền ngăn cản người khác sử dụng sản phẩm này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về tính hợp lý.
Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp), nhấn mạnh rằng để Nghị quyết 173 đi vào thực tiễn, cần luật hóa một cách đồng bộ và khả thi. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện hành chưa định nghĩa rõ TLĐT và TLNN, do đó cần sớm bổ sung các khái niệm này và điều chỉnh các văn bản liên quan. Ông Hải đề xuất đánh giá toàn diện các yếu tố kinh tế, pháp lý và sức khỏe để đưa ra giải pháp tối ưu.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), nhấn mạnh việc sửa luật phải gắn với thực tiễn, cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan, đồng thời đảm bảo không ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bà Liên cũng lưu ý cần có chính sách quản lý và chế tài phù hợp, không phủ nhận cơ hội điều chỉnh khung pháp luật theo bối cảnh thực tế.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng để thực thi hiệu quả, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục và định nghĩa rõ ràng về TLĐT, TLNN. Thiếu khái niệm cụ thể khiến cả cơ quan chức năng và người dân lúng túng trong việc xác định căn cứ xử phạt. Trên bình diện quốc tế, một số quốc gia cho phép lưu hành TLĐT, TLNN kèm quản lý chặt chẽ, trong khi các quốc gia cấm như Thái Lan lại đối mặt với buôn lậu và gia tăng sử dụng ở giới trẻ. Những bài học này cho thấy Việt Nam cần khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và khả thi để thực hiện hiệu quả lệnh cấm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Hoàng Ngân