Nâng cao nhận thức, tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá

04/05/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Nhân Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (25-31/5/2025), Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá và tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Theo Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 là "Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo" nhằm phơi bày chiến lược của các tập đoàn thuốc lá trên thế giới trong việc quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm thuốc lá là sản phẩm không có hại nhằm thu hút người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ.

WHO nhấn mạnh, sử dụng thuốc lá là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất mà thế giới đã và đang phải đối mặt. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 8 triệu ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, trong đó 1,3 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động.

Tại Việt Nam, theo ước tính của WHO, sử dụng thuốc lá gây ra hơn 100.000 ca tử mỗi năm. Trong đó 84.500 người tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc chủ động và 18.800 người tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc thụ động. Việc sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng nghiệm trọng và ngày càng gia tăng về bệnh tật và tử vong sớm, cũng như chi phí y tế. Thiệt hại kinh tế do thuốc lá ước tính là 108 nghìn tỷ đồng mỗi năm (tương đương 1,14% GDP). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.

Với những nỗ lực của Bộ Y tế, các Bộ, ngành, tổ chức, Đoàn thể, các tỉnh, thành phố và sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá, hơn 10 năm qua, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu trong nam giới trưởng thành tại Việt Nam giảm (trung bình giảm 0,5% mỗi năm). Tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022.

Nhiều khó khăn trong phòng chống tác hại của thuốc lá

Mặc dù công tác PCTH thuốc lá đạt được nhiều kết quả tích cực, song Việt Nam vẫn là 1 trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Hiện nay công tác PCTH của thuốc lá đang gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới các kết quả đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời ảnh hưởng tới các nỗ lực trong việc đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc theo Chiến lược quốc gia về PCTH thuốc lá đến năm 2030.

Theo ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ PCTH thuốc lá, một trong những khó khăn trong công tác PCTH thuốc lá là sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới (chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng). Mặc dù các nhà sản xuất thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vẫn tuyên bố các sản phẩm này là ít hại và là giải pháp thay thế sản phẩm thuốc lá có hại cho những người nghiện mà không cai được. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy các sản phẩm này nhắm tới một lượng lớn người chưa từng hút thuốc (bao gồm cả phụ nữ và trẻ em) thông qua hương vị, mẫu mã sản phẩm cùng với sự thay đổi không ngừng các cách thức quảng bá gây hiểu lầm rằng thuốc lá mới không có hại để thu hút người sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Bên cạnh đó, giá thuốc lá ở Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Nguyên nhân chính là vì thuế thuốc lá của Việt Nam đang rất thấp. Mức thuế tính trên giá bán lẻ của Việt Nam là 36%, thấp hơn mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%) và cách xa so với khuyến cáo của WHO (75%). So với các nước ASEAN thì thuế tính trên giá bán lẻ thuốc lá của Việt Nam cũng ở mức rất thấp (mức thuế trên giá bán lẻ của Thái Lan là 78,6%, Phillipines 71,3% và Singapore 67,5%).

Theo báo cáo của WHO, giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15, gần thấp nhất, trong số 19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Giá thuốc lá rẻ khiến người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em dễ dàng tiếp cận, dẫn đến nghiện sớm và gia tăng nguy cơ bệnh tật, tử vong.

Tăng cường các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá

Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ 25-31/5, đồng thời để tiếp tục tăng cường thực thi Luật PCTH thuốc lá, Chiến lược quốc gia về PCTH thuốc lá, Bộ Y tế đề nghị các Bộ, ngành, Đoàn thể Trung ương phối hợp, chỉ đạo tổ chức các hoạt động tăng cường thực thi Luật PCTH thuốc lá, Chiến lược quốc gia về PCTH thuốc lá; Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội thông qua những hoạt động cụ thể như: Thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc trong cơ quan Bộ và các cơ quan, đơn vị trong ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách; Chỉ đạo đưa nội dung PCTH thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; treo biển cấm hút thuốc tại nơi làm việc. Giám sát thường xuyên việc thực hiện quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc của cơ quan bộ, ngành, đoàn thể và các đơn vị trực thuộc…

Cùng với đó, tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về Luật PCTH thuốc lá, Chiến lược quốc gia về PCTH thuốc lá, Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về nội dung "cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng".

Tổ chức thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định về địa điểm cấm hút thuốc và các quy định khác của pháp luật về PCTH thuốc lá trong ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng theo Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội.

Mặt khác, lồng ghép hoạt động PCTH thuốc lá trong các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"…
 
Bộ Y tế đã đưa ra các Thông điệp Ngày thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25-31/5/2025 để tiếp tục cảnh báo tác hại thuốc lá và chỉ ra các chiêu trò quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm thuốc lá là sản phẩm không có hại:
Thông điệp về tác hại của thuốc lá
1. Sử dụng thuốc lá gây ra hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam.
2. Sử dụng thuốc lá gây tổn thất 108 nghìn tỷ đồng mỗi năm, cao gấp 5 lần số thu từ thuế thuốc lá.
3. Sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây tốn tiền và phải trả giá bằng sức khỏe.
4. Sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây tổn thương phổi, tim và não, đặc biệt là ở người trẻ.
5. Hãy bỏ thuốc lá để làm tấm gương tốt cho các con của bạn.
6. Bỏ thuốc lá ngay hôm nay vì sức khỏe của bạn và những người thân yêu.
7. Hút shisha cũng có hại như sử dụng các sản phẩm thuốc lá khác.
Thông điệp về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
1. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không phải sản phẩm giúp cai thuốc lá điếu thông thường.
2. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chứa hóa chất độc hại như các hóa chất có trong khói xe ô tô, thuốc trừ sâu.
3. Nicotine trong thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm suy yếu sự phát triển não bộ trẻ em.
4. Tuân thủ quy định cấm sử dụng, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân.
5. Cấm sử dụng, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội).
6. Thanh niên Việt Nam tuân thủ quy định cấm sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
7. Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Thông điệp về tăng thuế thuốc lá
1. Tăng thuế thuốc lá cao giúp đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc
2. Tăng thuế thuốc lá cao giúp ngăn ngừa trẻ em hút thuốc
3. Thuế thuốc lá cần đạt ít nhất 75% trên giá bán lẻ để giúp giảm số người hút thuốc.

Hà Linh

Xem thêm »