Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước với các cơ quan dân cử
(sav.gov.vn) - Sáng 25/10, Nhóm tác giả Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Giải pháp hoàn thiện các mối quan hệ phối hợp với các cơ quan dân cử trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước” tổ chức Tọa đàm để thảo luận, lắng nghe, tiếp thu ý kiến các chuyên gia hoàn thiện đề tài.
Tham dự Hội thảo có các chuyên gia của Kiểm toán nhà nước: TS. Hoàng Phú Thọ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TS. Hoàng Văn Lương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, TS. Vũ Thanh Hải - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV, TS. Nguyễn Mạnh Cường - Chánh văn phòng Ban cán sự đảng, Đảng ủy, đoàn thể, TS. Nguyễn Quán Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TS. Nguyễn Hữu Hiểu - Trưởng khoa, Trường đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán.
Về phía nhóm tác giả nghiên cứu Đề tài có: ThS. Huỳnh Hữu Thọ - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, ông Nguyễn Đình Hòa - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XI và các thành viên Ban Đề tài.
Phối hợp công tác giúp việc thực thi chức năng, nhiệm vụ thuận lợi và hiệu quả hơn
KTNN có nhiệm vụ kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, vì vậy, trong quá trình hoạt động, để thực thi đúng chức năng, nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác, KTNN luôn phải phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ và địa phương. Mặc dù mỗi cơ quan thực hiện nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật, song khi đã xác định mối quan hệ phối hợp và ký các quy chế phối hợp thì việc thực thi chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan có nhiều thuận lợi và hiệu quả hơn.
Theo ThS. Huỳnh Hữu Thọ, sự phối hợp của các cơ quan, địa phương tạo điều kiện cho KTNN hoàn thành nhiệm vụ của mình và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, trong bối cảnh mọi mặt của nền kinh tế - xã hội đều thay đổi và phát triển nhanh chóng, KTNN cũng phải thường xuyên điều chỉnh quy mô, nâng cao chất lượng và đa dạng của hoạt động kiểm toán… dẫn đến các nội dung, quy định, chất lượng của công tác phối hợp chưa theo kịp thực tiễn và chưa thực sự mang lại hiệu quả cao cho các bên.
Đơn cử như, mối quan hệ phối hợp giữa KTNN và HĐND các tỉnh mới chủ yếu thông qua KTNN các khu vực, Đoàn kiểm toán với Thường trực HĐND và thường chỉ xuất hiện trong quá trình xây dựng kế hoạch của cuộc kiểm toán. KTNN và HĐND các tỉnh chưa tạo ra được mối quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên, thiếu chủ động từ cả hai phía trong việc: xây dựng kế hoạch tổ chức họp và định kỳ tổ chức giao ban để đánh giá, rút kinh nghiệm; bồi dưỡng, tập huấn về lĩnh vực tài chính, ngân sách; xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án luật; lấy ý kiến của KTNN trong quá trình thảo luận, xây dựng dự toán ngân sách địa phương, phân bổ dự toán, ban hành các cơ chế chính sách liên quan ngân sách của tỉnh, thành phố…
Mặt khác, các địa phương cũng chưa gắn kết chặt chẽ với KTNN để khai thác, sử dụng đầy đủ các thông tin trong báo cáo kiểm toán; đưa ra yêu cầu cho KTNN để phục vụ chức năng quản lý điều hành và giám sát; giám sát chặt chẽ hoạt động kiểm toán của Đoàn, Tổ kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước trên địa bàn và phản ánh kịp thời để KTNN xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; thực hiện thường xuyên và có hiệu quả chức năng giám sát đối với việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN; chủ động gửi thông tin thường xuyên, kịp thời cho KTNN các nghị quyết liên quan đến tài chính, ngân sách… Hiện nay, HĐND cấp tỉnh chủ yếu tham gia quá trình kiểm toán với tư cách là đơn vị được kiểm toán hơn là với tư cách cơ quan quản lý giám sát ngân sách ở địa phương.
Việc tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa KTNN với các cơ quan dân cử là hết sức cần thiết, tuy nhiên sự phối hợp phải được căn cứ vào những định hướng lâu dài, phù hợp với Chiến lược phát triển của KTNN được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và đặc biệt phải cụ thể hóa trong quy định pháp luật, xuất phát từ thực tiễn hoạt động của mỗi bên, ThS. Huỳnh Hữu Thọ nhấn mạnh.
Phối hợp dưạ trên chức năng, nhiệm vụ mỗi bên
Để quá trình phối hợp giữa KTNN với các cơ quan dân cử đạt được hiệu quả cao, việc hoàn thiện các mối quan hệ phối hợp là rất cần thiết. Theo đó, công tác phối hợp phải đảm bảo các nguyên tắc cốt lõi: Phối hợp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bên; bảo đảm nguyên tắc hoạt động của KTNN; phối hợp trên tinh thần chủ động, đảm bảo phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan; tuân thủ quy định pháp luật; đơn giản hóa các thủ tục, tránh hình thức trong quá trình phối hợp; đảm bảo tính nhất quán của các vấn đề phối hợp đã cam kết.
Theo TS. Hoàng Phú Thọ, công tác phối hợp giữa KTNN và các cơ quan không chỉ theo các quy định pháp luật, quy chế đã ký kết mà cả trong quá trình làm việc. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, KTNN cần thống kê, rà soát, chủ động xây dựng quy chế phối hợp với các ủy ban của Quốc hội như Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội, các cơ quan của Chính phủ, các địa phương… để tăng cường mối quan hệ, thường xuyên trao đổi thông tin.
Thực tế, các quy định hiện hành chưa quy định đầy đủ về công tác phối hợp để giải quyết công việc, vì vậy KTNN đã ký quy chế phối hợp với nhiều cơ quan và hầu hết các địa phương trên cả nước. Quy chế phối hợp được xây dựng bám sát quy trình kiểm toán, đồng thời, qua từng giai đoạn KTNN và các cơ quan phân tích thực trạng, chỉ rõ nhưng bất cập để điều chỉnh, hoàn thiện quy chế phới hợp.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS. Vũ Thanh Hải cho rằng, công tác phối hợp phải xuất phát từ chức năng nhiệm vụ mỗi bên, nhiều nội dung không được quy định trong luật nhưng KTNN vẫn phải phối hợp với các cơ quan, địa phương để thực hiện, do đó, quy chế phối hợp phải được xây dựng từ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, công tác phối hợp phải được nêu cụ thể từng nhóm công việc, lưu ý đến việc KTNN được tiếp cận thông tin, các cơ quan, địa phương cung cấp thông tin kịp thời cho KTNN; hằng năm xác định nội dung phối hợp căn cứ trên các nhiệm vụ được giao và chương trình làm việc của Quốc hội…
Xuất phát từ thực tiễn hoạt động của KTNN và các cơ quan dân cử, các chuyên gia cho rằng, hằng năm, KTNN và từng địa phương, cơ quan phải xây dựng và ban hành một chương trình làm việc cụ thể để chủ động trong việc phối hợp công tác và hình thành một quy định chung. Ngoài ra, KTNN phối hợp với các bên để rà soát, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện Luật KTNN và nhiều văn bản luật liên quan. KTNN cũng phải tăng cường năng lực cho kiểm toán viên, vừa đào tạo chuyên môn, vừa nâng cao kỹ năng làm việc, kỹ năng ứng xử trong quá trình làm việc với các cơ quan, địa phương.