(sav.gov.vn) - Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa ban hành Kế hoạch số 110-KH/BCSĐ thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.
Theo Kế hoạch, cấp ủy, thủ trưởng đơn vị, cán bộ, đảng viên cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về nội dung, tính chất, mục đích, ý nghĩa của công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình hiện nay. Qua đó, xác định rõ vai trò, trách nhiệm, tinh thần gương mẫu của cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triến nhà ở xã hội theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thông qua hoạt động kiểm toán, thúc đẩy chất lượng, hiệu quả công tác quản lý của các cơ quan nhà nước, tăng cường trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong công tác phát triển nhà ở xã hội; gia tăng lợi ích xã hội và niềm tin của người dân vào chủ trương, chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước; đồng thời góp phần nâng cao uy tín, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân đối với hoạt động của KTNN.
KTNN sẽ góp phần cùng với các địa phương, đơn vị và cả hệ thống chính trị thực hiện đạt các chỉ tiêu về nhà ở xã hội đã đề ra trong Chỉ thị 34-CT/TW đó là: Giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân; Phấn đấu đến năm 2030 cả nước xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp khu vực đô thị; bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo tốt về nhà ở.
Kế hoạch đề ra yêu cầu nghiên cứu để kiểm toán khi đảm bảo các điều kiện theo quy định đối với Chương trình nhà ở xã hội trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Đánh giá chương trình nhà ở xã hội của địa phương có đảm bảo giải quyết nhu cầu chỗ ở ưu tiên cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Đánh giá việc tuân thủ các quy định của pháp luật và các chính sách, chế độ có liên quan của nhà nước và địa phương về nhà ở xã hội.
Qua kiểm toán, nắm bắt, thu thập thông tin về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triến nhà ở xã hội. Từ đó, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nâng cao công tác phát triển nhà ở xã hội.
Để đạt được mục tiêu, cấp ủy, thủ trưởng đơn vị, cán bộ, đảng viên cần tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về tính chất, ý nghĩa của công tác phát triển nhà ở xã hội. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội.
Nghiên cứu, tham gia ý kiến đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nhà ở xã hội (đặc biệt là các đơn vị được giao chủ trì) phải tập trung nghiên cứu đế tham gia ý kiến đảm bảo chất lượng, tiến độ; các ý kiến tham gia phải có đầy đủ căn cứ pháp lý, phù hợp với thực tiễn.
Tham gia ý kiến về dự toán NSNN hằng năm tại các địa phương, dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW hằng năm cần tập trung nghiên cứu đế có ý kiến đối với việc huy động, phân bổ nguồn lực hằng năm, trung hạn để phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời trong quá trình kiểm toán cần tập trung thời gian, nhân sự để đánh giá cụ thể việc huy động, bố trí nguồn lực để thực hiện Chương trình/Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội tại các địa phương; việc nghiên cứu, xây dựng, tham mưu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội tại các bộ, cơ quan trung ương được giao nhiệm vụ chủ trì.
Nghiên cứu, thu thập thông tin để xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn, kế hoạch kiểm toán hằng năm phù hợp với tình hình thực tế triển khai ở từng địa phương về chương trình, dự án, hoạt động quản lý và sử dụng các nguồn lực để phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, xác định mục tiêu, nội dung, tiêu chí kiểm toán, trọng yếu và rủi ro kiểm toán. Từ đó, có đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở xã hội, nhất là về cơ chế tài chính, sử dụng nguồn lực, đất đai, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, đấu thầu, quy hoạch đô thị và nông thôn, quản lý phát triển đô thị, quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách thuế, quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế....
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán nói chung và các cuộc kiểm toán liên quan đến nội dung nhà ở xã hội nói riêng.
Hà Linh