Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2021 “Giải pháp nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán môi trường của Kiểm toán nhà nước”

(sav.gov.vn) – Sáng ngày 29/12/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Hội đồng khoa học KTNN đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2021 “Giải pháp nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán môi trường của KTNN” do Ths. Đỗ Công Thức - KTNN khu vực I và Ths. Nguyễn Thị Kiều Thu - KTNN chuyên ngành III đồng chủ nhiệm. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Theo Ban chủ nhiệm đề tài, Kiểm toán môi trường (KTMT) là khái niệm khá mới mẻ với Việt Nam nói chung và với cơ quan KTNN Việt Nam nói riêng. Tháng 10/2015, KTNN đã thành lập Phòng KTMT trực thuộc Vụ Hợp tác quốc tế và bổ sung chức năng, nhiệm vụ KTMT cho Vụ để triển khai nghiên cứu những kinh nghiệm của các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) trong lĩnh vực KTMT và từng bước triển khai áp dụng tại KTNN. Năm 2018, để tăng cường hoạt động kiểm toán môi trường Phòng KTMT và chức năng kiểm toán môi trường đã được chuyển về KTNN chuyên ngành III. Các cuộc KTMT đã bắt đầu được KTNN tổ chức thực hiện, kết quả kiểm toán đã chỉ ra được nhiều hạn chế bất cập trong quản lý, bảo vệ môi trường, tuy nhiên số lượng cuộc kiểm toán chưa nhiều, nội dung, chủ đề kiểm toán còn ít so với yêu cầu thực tiễn và chủ yếu chỉ do đơn vị có Phòng KTMT thực hiện.
 
Trong khi đó, còn rất nhiều vấn đề môi trường diễn ra tại các địa phương cũng như ở mọi lĩnh vực ngành nghề và vô cùng đa dạng, đến thời điểm hiện tại các KTNN chuyên ngành còn lại và các KTNN khu vực của KTNN chỉ mới tổ chức một số rất ít cuộc kiểm toán có liên quan đến môi trường. Các cuộc kiểm toán mới chỉ ra được những bất cập về công tác bảo vệ môi trường như: Cơ chế, chính sách quản lý việc sử dụng bao bì nylon, vấn đề thu gom xử lý rác thải ở đô thị… song nhìn chung để thực hiện được mục tiêu như “Tuyên bố Hà Nội” tại Đại hội các Cơ quan Kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI) XIV thì đòi hỏi các cuộc KTMT của KTNN mà nhất là tại các KTNN chuyên ngành khác (ngoài KTNN CNIII) và KTNN khu vực với địa bàn khắp cả nước và lực lượng Kiểm toán viên nhà nước đông đảo phải ngày càng được tổ chức nhiều hơn với chất lượng hiệu quả cao hơn là yêu cầu tất yếu.    
 
Vì vậy, nhóm tác giả đề xuất nghiên cứu đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán môi trường của KTNN” với kỳ vọng nếu được nghiên cứu, kết quả nghiên cứu sẽ có giá trị thực tiễn đề xuất những giải pháp có hiệu quả để tổ chức nhiều hơn và có chất lượng, hiệu quả hơn các cuộc KTMT, góp phần làm cho KTMT đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của KTNN.   
 
Đề tài xác định đối tượng nghiên cứu là: Các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về môi trường và bảo vệ môi trường; công tác tổ chức, quản lý và bảo vệ môi trường tại một số địa phương; các quy trình, quy định, hường dẫn trong nội ngành của KTNN có liên quan đến hoạt động kiểm toán môi trường; thực tế hoạt động kiểm toán của KTNN nói chung và các KTNN khu vực nói riêng liên quan đến môi trường; Một số tài liệu thực tiễn về KTMT của các nước.
 
Phạm vi nghiên cứu là hoạt động KTMT và các hoạt động kiểm toán có liên quan đến môi trường của KTNN từ năm 2015 đến nay, tập trung vào vấn đề nước thải, rác thải, môi trường nước và đánh giá tác động môi trường.
 
Hội đồng nghiệm thu chúc mừng Ban chủ nhiệm đề tài
 
Ngoài phần mở đầu và kết luận, Đề tài được kết cấu thành 3 chương:

Chương I: Những vấn đề chung về môi trường, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; KTMT, nhấn mạnh vai trò của bảo vệ môi trường của KTNN, làm rõ đối tượng, khách thể của KTMT.

Chương II: Trình bày thực trạng tổ chức quản lý, bảo vệ môi trường ở một số địa phương; thực trạng về các hướng dẫn, quy định và việc vận dụng các chuẩn mực KTNN trong KTMT; thực trạng về tổ chức và chất lượng các cuộc kiểm toán môi trường của KTNN từ 2015 đến nay; phân tích làm rõ những mặt đã làm được những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, thực trạng về chất lượng các cuộc kiểm toán có liên quan đến môi trường của các KTNN khu vực trong thời gian qua để chỉ ra những tồn tại, hạn chế dẫn đến việc tổ chức KTMT còn thiếu và chất lượng không được như mong muốn…
 
Chương III: Định hướng phát triển KTMT - Những vấn đề đặt ra cho KTMT theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, những yêu cầu về KTMT; 02 nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng KTMT, trong đó bao gồm những giải pháp từ xây dựng KHKT năm, KHKT trung hạn để tổ chức thường xuyên hơn các cuộc KTMT với sự phong phú đa dạng về chủ đề, lồng ghép các chủ đề KTMT trong các cuộc kiểm toán thường xuyên, tập trung xây dựng các tiêu chí đánh giá và các phương pháp kiểm toán đặc thù trong KTMT...; đề xuất các điều kiện để thực hiện giải pháp.
 
Nhận xét về Đề tài, Hội đồng nghiệm thu  cho rằng, trong bối cảnh bảo vệ môi trường (BVMT) và phát triển bền vững (PTBV) không chỉ là vấn đề riêng của mỗi quốc gia mà trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, kiểm toán môi trường (KTMT) được xem là công cụ hữu hiệu cho KTNN đạt được mục tiêu đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trong lĩnh vực môi trường của các cơ quan quản lý môi trường, cơ quan giám sát môi trường và đối tượng hoạt động liên quan đến môi trường. Việc nghiên cứu của Đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng các cuộc KTMT của KTNN” sẽ góp phần đề xuất những giải pháp có hiệu quả để nâng cao chất lượng của các cuộc KTMT, hướng tới sự PTBV của quốc gia. 
 
Với kết quả nghiên cứu, đề tài có thể sử dụng như là tài liệu tham khảo cho việc xây dựng các tài liệu hướng dẫn, phương pháp kiểm toán môi trường khi thực hiện các cuộc kiểm toán.
 
Góp phần hoàn thiện đề tài, Hội đồng nghiệm thu yêu cầu, Ban chủ nhiệm đề tài nên tập trung vào KTMT vì đối tượng nghiên cứu chính là “Kiểm toán môi trường”.

Ban Chủ nhiệm Đề tài cũng nên rà soát, cập nhật các khái niệm, trích dẫn theo Luật BVMT năm 2020. Hiện các nội dung trong Đề tài biên tập theo Luật BVMT năm 2014.

Về các nội dung cụ thể:

Chương 1, nên lược bớt các vấn đề lý luận về môi trường và bảo vệ môi trường, và tập trung đi thẳng vào các vấn đề về KTMT, các quy định pháp lý về KTMT, tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc KTMT và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc KTMT.

Chương 2: Đối với nội dung kết quả đạt được trong kiểm toán liên quan đến môi trường, đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài biên tập ngắn gọn và làm nổi bật lên những kết quả đạt được của KTMT giúp đảm bảo chất lượng của cuộc KTMT. Hiện Đề tài mới chỉ đang liệt kê các kết quả kiểm toán từ các báo cáo KTMT.

Chương 3: Cần bám sát vào các tồn tại, hạn chế ở Chương 2 đề đưa ra các giải pháp phù hợp. Trong đó, cần làm rõ hơn về sản phẩm Hoàn thiện hướng dẫn KTMT. Các nhóm giải pháp tuy khá đầy đủ, nhưng còn chưa cụ thể, chi tiết, đề nghị bổ sung các giải pháp cụ thể, mang tính khả thi.
 
Hội đồng nghiệm thu thống nhất đề tài xếp loại Khá./.
 
Ngọc Bích