Tự chủ bệnh viện còn vướng mắc về các quy định của pháp luật

(sav.gov.vn) - Thực hiện tự chủ bệnh viện là một quyết sách lớn của Nhà nước và đây cũng là xu thế được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Việc thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, nhiều vấn đề nhận thức về tự chủ bệnh viện ngày càng được rõ hơn.

Tuy nhiên, bệnh cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện tự chủ bệnh viện cũng còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Đơn cử, sau 2 năm triển khai thí điểm tự chủ toàn diện, 2 bệnh viện tuyến cuối của cả nước là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đều đã xin dừng thí điểm. Nguyên nhân được các bệnh viện chỉ ra trong quá trình triển khai thí điểm là do cơ chế thực hiện tự chủ bệnh viện chưa đầy đủ, giá dịch vụ y tế không được tính đúng tính đủ, vấn đề liên doanh liên kết máy móc, trang thiết bị chưa rõ ràng, thậm chí vướng các quy định của pháp luật, dẫn tới thiếu trầm trọng trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe của người dân… "Lằn ranh" giữa đúng và sai trong thực hiện tự chủ bệnh viện trên thực tế còn nhiều chỗ mong manh, tiềm ẩn những rủi ro nhất đối với những người triển khai, thực hiện.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, sau 2 năm triển khai thí điểm tự chủ toàn diện, hiện  bệnh viện đang gặp khó khăn ở cả 04 vấn đề chính của tự chủ toàn diện gồm: Tổ chức bộ máy và nhân sự; đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản; tài chính, tiền lương và giá dịch vụ y tế; thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. “Trong 2 năm 2020, 2021 thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện toàn diện Bệnh viên Bạch Mai, những khó khăn trên chưa bộc lộ do số lượng bệnh nhân giảm rất nhiều vì dịch và giãn cách xã hội. Tuy nhiên, từ quý II/2022 trở lại đây, khi dịch COVID-19 được kiểm soát trên cả nước, số lượng bệnh nhân tăng đột biến dẫn tới tình trạng không đủ máy móc, thiết bị phục vụ khám chữa bệnh. Trong khi đó, nhiều máy móc thiết bị, đặc biệt là máy phục vụ chẩn đoán điều trị ung bướu và y học hạt nhân như Pet CT, cộng hưởng từ, xạ phẫu, các máy hiện đại phục vụ phẫu thuật như thiết bị vi phẫu, robot... phải lưu kho vì liên quan đến những sai phạm trong vấn đề liên doanh liên kết hoặc hết hợp đồng. “Khó nhất hiện tại là nguồn tài chính chênh lệch thu chi để duy trì hoạt động của bệnh viện rất thấp do bệnh viện thí điểm tự chủ toàn diện, nhưng toàn bộ giá dịch vụ kỹ thuật y tế bệnh viện thu đúng bằng giá bảo hiểm y tế nhưng vẫn chưa được tính đúng tính đủ. Bệnh viện không ngại thí điểm tự chủ toàn diện, không phải Lãnh đạo bệnh viện không dám làm tự chủ toàn diện, mà khó nhất là hiện chưa có văn bản pháp quy rõ ràng nên rất dễ sai phạm - đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện” - PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết.

Nhấn mạnh “không phải chúng tôi dừng tự chủ mà chuyển sang hình thức khác phù hợp hơn”, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, bệnh viện muốn chuyển sang thực hiện tự chủ theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ theo quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương cho rằng, chủ trương tự chủ là đúng và cần thiết nhưng hoạt động tự chủ theo nhóm nào thì bệnh viện phải đủ điều kiện, tự quyết định và phải tự chịu trách nhiệm trước người bệnh. Theo đó, nên tự chủ ở mức chi thường xuyên, chi một phần, không nên tự chủ toàn diện đối với các bệnh viện công lập.

Từ góc độ của người đã từng có nhiều năm theo dõi công tác trong lĩnh vực ngành Y, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội chia sẻ, nếu chúng ta không tính toán mà đã xây dựng và giao tự chủ cho các bệnh viện khi chưa đủ điều kiện thì "lợi bất cập hại", "gậy ông đập lưng ông". “Cá nhân tôi không ủng hộ tự chủ hoàn toàn, do thể chế chưa đáp ứng yêu cầu, việc tổ chức thực hiện có vấn đề và cơ chế giá bất hợp lý” - TS. Bùi Sỹ Lợi nêu ý kiến.

Ủng hộ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K xin chuyển từ tự chủ nhóm 1 sang nhóm 2, TS. Bùi Sỹ Lợi chỉ ra rằng, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu chúng ta tự chủ theo cách này đối với ngành y thì chỉ đem lại khó khăn, vướng mắc cho người dân. Chăm sóc sức khỏe nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước, nên đối với bệnh viện tuyến cuối cùng và bệnh viện tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, dứt khoát Nhà nước phải đầu tư. “Chưa một cơ sở y tế nào, kể cả tuyến trên, tuyến cuối và tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu có đủ điều kiện để tự chủ toàn phần. Nếu cứ giao tự chủ theo cách như vậy, giao mà không có đầu tư, không có chuyển giao khoa học công nghệ và không có phúc lợi xã hội thì bệnh viện Nhà nước để làm gì?” - TS. Bùi Sỹ Lợi nêu câu hỏi.

Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, bệnh viên tuyến cuối có 3 điểm phải lưu ý: Phải được đầu tư, hiện đại hóa công nghệ vì đây là tuyến cuối cùng chăm sóc những bệnh khó khăn, gian khổ nhất, đòi hỏi kỹ thuật nhiều nhất. Bệnh viện tuyến cuối còn có nhiệm vụ rất quan trọng là chuyển giao công nghệ kỹ thuật hiện đại cho tuyến 2 và tuyến cơ sở. Mặt khác, bệnh viện còn có có chức năng bảo đảm an sinh xã hội…

Đánh giá những vướng mắc về quy định, tính pháp lý của việc tự chủ bệnh viện công lập, TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chia sẻ: Nghị định 43 của Chính phủ là Nghị định đầu tiên về vấn đề xã hội hóa công tác y tế, theo đó tự chủ chia ra làm 3 loại gồm: Tự chủ về chi thường xuyên các hoạt động; tự chủ một phần chi thường xuyên; ngân sách nhà Nước phải chi trả. Trước kia Nghị định 43 không có quy định về tự chủ toàn diện, trong đó có cả chi đầu tư, sau đó thí điểm tự chủ chi thường xuyên, tự chủ toàn diện, chi đầu tư.  "Trong tự chủ không chỉ tự chủ về mặt tài chính, mà tự chủ về các hoạt động chuyên môn, tự chủ về tổ chức cán bộ, tự chủ về đầu tư mua sắm và quản lý tài sản, tự chủ về giá dịch vụ khám chữa bệnh và tự chủ về tiền lương và mức độ phụ cấp. Hiện tự chủ bệnh viện đang vướng mắc về mặt thể chế. Có rất nhiều quy định nếu không viện dẫn một cách cụ thể, chi tiết vào các nội dung, nội hàm thì rất dễ mắc”- TS.Nguyễn Huy Quang lý giải .

Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K và nhiều bệnh viện công khác hiện đang mong muốn những vướng mắc, hạn chế còn tồn tại về tự chủ bệnh viện công lập sẽ được các cấp, các ngành tích cực tháo gỡ để tự chủ bệnh viện thực sự đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, đáp ứng đa mục tiêu: Nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong khám chữa bệnh; bảo đảm đời sống của nhân viên y tế; bảo đảm phúc lợi xã hội trong lĩnh vực y tế đối với các loại hình khám chữa bệnh và các đối tượng bệnh nhân./.

Thanh Trang