Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn: Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VII cần đề cao yếu tố hiệu quả trong hoạt động kiểm toán

(sav.gov.vn) - Ngày 12/8/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn đã có buổi làm việc với KTNN chuyên ngành VII về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác trong thời tới.

Buổi làm việc có sự tham dự của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung; Thủ trưởng một số đơn vị tham mưu: Văn phòng KTNN, Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ & KSCL Kiểm toán, Vụ Pháp chế, Thanh tra KTNN, Văn phòng Đảng-Đoàn thể và toàn thể cán bộ chủ chốt của KTNN chuyên ngành VII.

Báo cáo về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác 7 tháng đầu năm và kế hoạch công tác 5 tháng cuối năm 2022, Kiểm toán trưởng Vũ Văn Cường cho biết: KTNN chuyên ngành VII có chức năng giúp Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Ngân hàng nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các tổ chức tài chính, tín dụng, các doanh nghiệp có vốn Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực tài chính, tín dụng, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn tài chính - kế toán - kiểm toán; kiểm toán công nghệ thông tin và triển khai áp dụng kiểm toán công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán của KTNN.

Với vị trí, chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ cấu tổ chức của KTNN chuyên ngành VII gồm 8 phòng: Phòng Tổng hợp; Phòng Kiểm toán ngân hàng 1; Phòng Kiểm toán ngân hàng 2; Phòng Kiểm toán ngân hàng 3; Phòng Kiểm toán các tổ chức tài chính 1; Phòng Kiểm toán các tổ chức tài chính 2; Phòng Kiểm toán hoạt động và Phòng Kiểm toán công nghệ thông tin. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số cán bộ, công chức của đơn vị là 96 người, với 100% cán bộ, công chức có trình độ đại học trở lên, trong đó có 04 tiến sĩ, 65 thạc sĩ và 27 cử nhân; 03 Kiểm toán viên cao cấp, 30 Kiểm toán viên chính, 57 Kiểm toán viên, 02 chuyên viên chính,... 
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung phát biểu tại buổi làm việc

Theo Kiểm toán trưởng Vũ Văn Cường, với chức năng nhiệm vụ được giao, công tác: Xây dựng Kế hoạch kiểm toán (KHKT); kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán trưởng; lập, thẩm định, phát hành Biên bản kiểm toán (BBKT), Báo cáo kiểm toán (BCKT); chuẩn bị ý kiến của KTNN đối với dự toán ngân sách của các Bộ, ngành liên quan thuộc phạm vi và công tác triển khai kiểm toán được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo điều hành của Đảng uỷ, Lãnh đạo đơn vị.

Trên cơ sở hướng dẫn của KTNN về xây dựng KHKT năm và KHKT trung hạn, KTNN chuyên ngành VII đã rà soát, phân tích đánh giá tình hình hoạt động của các đối tượng được kiểm toán và phối hợp với Vụ Tổng hợp đề xuất các chủ đề, đơn vị được kiểm toán hằng năm đảm bảo đúng đối tượng, phạm vi, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động kiểm toán với hoạt động thanh tra của Thanh Tra Chính Phủ.
 
Kiểm toán trưởng chuyên ngành VII Vũ Văn Cường báo cáo tại buổi làm việc 

Tính đến nay, bên cạnh việc các Đoàn kiểm toán tập trung nghiên cứu và thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nội dung theo hướng dẫn từ khâu lập KHKT, thực hiện kiểm toán và lập BCKT, các cuộc kiểm toán đều đã bám sát hướng dẫn và thực hiện đầy đủ các nội dung, mục tiêu, trọng tâm của KTNN. KTNN chuyên ngành VII cũng đã hoàn thành việc lập KHKT năm 2023 và KHKT trung hạn trình Tổng Kiểm toán nhà nước. Về cơ bản KHKT năm 2023 được xây dựng trên cơ sở KHKT trung hạn giai đoạn 2022-2024, trừ các chủ đề kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và những vấn đề xã hội đặc biệt quan tâm.

Việc kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) luôn được Chuyên ngành quan tâm chỉ đạo, song song với việc thành lập các tổ khảo sát, KTNN chuyên ngành VII đã thành lập tổ KSCLKT với nhân sự có kinh nghiệm chuyên môn như Phó Kiểm toán trưởng hoặc Lãnh đạo phòng làm Tổ trưởng Tổ KSCLKT nhằm thực hiện công tác KSCLKT ngay từ khâu lập KHKT đến khâu thực hiện kiểm toán và khâu Lập, phát hành báo cáo kiểm toán.

Theo Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc giao nhiệm vụ kiểm toán năm 2022 cho các đơn vị trực thuộc, KTNN chuyên ngành VII được giao nhiệm vụ thực hiện 08 cuộc kiểm toán, gồm: Cuộc kiểm toán chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ; cuộc kiểm toán hoạt động về việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 được lồng ghép vào các cuộc kiểm toán tại NHNN Việt Nam và một số ngân hàng thương mại; cuộc kiểm toán các doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50% và 5 cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2021.

Theo phương án tổ chức thực hiện kiểm toán năm 2022, các Đoàn kiểm toán trong năm được chia thành 04 đợt . Đến 31/7/2022, đơn vị đã thực hiện và hoàn thành phát hành 03 báo cáo kiểm toán  và đang trình Lãnh đạo KTNN xét duyệt Dự thảo BCKT của 02 cuộc kiểm toán.

Việc tổ chức thực hiện và kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2021 cũng được đơn vị tập trung thực hiện. Theo kế hoạch kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2021, đến này, đơn vị đã hoàn thành kiểm tra 06/12 cuộc kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2021. Trên cơ sở Báo cáo kiểm tra thực hiện kiến nghị và các công văn báo cáo thực hiện kiến nghị kiểm toán của đơn vị được kiểm toán cho thấy các đơn vị được kiểm toán cơ bản thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các kết luận, kiến nghị của KTNN.

Kiểm toán trưởng Vũ Văn Cường cũng cho biết, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, KTNN chuyên ngành VII được Lãnh đạo KTNN giao một số nhiệm vụ phát sinh đột xuất khác thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng, như: Tham mưu cho Lãnh đạo KTNN để tham gia ý kiến bằng văn bản và tại các cuộc họp của Chính phủ, Quốc hội về các đề án xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém; tham gia ý kiến về việc tổng kết Đề án tái cơ cấu Tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và xây dựng Đề án giai đoạn 2021-2025; việc kéo dài thời hạn Đề án xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội… Chuẩn bị các tài liệu liên quan cho Lãnh đạo KTNN tham dự các cuộc họp của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ ban Quốc hội; tham gia ý kiến việc xây dựng các văn bản của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính về: Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ NSNN đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Nghị định về cho vay hỗ trợ lãi suất của NHCS xã hội; ý kiến về xử lý các khoản thanh toán với nhà nước và NSNN còn tồn đọng tại NHNN… Các nhiệm vụ này, mặc dù có tính chất đột xuất nhưng được KTNN chuyên ngành VII tập trung nghiên cứu, tham mưu có chất lượng.

Về kế hoạch công tác 5 tháng cuối năm 2022, KTNN chuyên ngành VII xác định 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung thực hiện và hoàn thành phương án kiểm toán năm 2022 trước ngày 30/10/2033, theo đúng quy định và phương án đã được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt, đảm bảo chất lượng, mục tiêu và nội dung, trọng tâm theo hướng dẫn của KTNN; chuẩn bị ý kiến về dự toán NSNN năm 2022 của các đơn vị thuộc phạm vi kiểm toán; tăng cường, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành các quy định của KTNN và quy trình nghiệp vụ trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, đặc biệt là việc chấp hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán và Đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên; tiếp tục tăng cường học tập, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; nâng cao chất lượng công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán và lập BCKT…
 
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đại diện các phòng thuộc KTNN chuyên ngành VII đã phát biểu làm rõ một số nội dung trong báo cáo, các khó khăn, vướng mắc và một số đề xuất để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới. Nhiều ý kiến cho rằng, KTNN chuyên ngành VII thực hiện kiểm toán ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và tổ chức tài chính, tín dụng là những lĩnh vực đi đầu trong việc áp dụng công nghê thông tin (CNTT) và có những chuyển động mạnh mẽ trong thời kỳ chuyển đổi số. Chính vì vậy, việc áp dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán vừa là cơ hội và thách thức không nhỏ đối với KTNN nói chung và KTNN chuyên ngành VII nói riêng, bởi khó khăn trước mắt chính là ở nhân sự và cơ chế hoạt động.

Tại buổi làm việc, Lãnh đạo một số đơn vị tham mưu đã trao đổi, làm rõ về sự phối hợp công tác với KTNN chuyên ngành VII; chia sẻ thêm với đơn vị những khó khăn thuận lợi trong việc thực hiện kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin; kiểm toán hoạt động; viêc tiếp cận hệ thống CNTT, dữ liệu của các đơn vị được kiểm toán cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đánh giá cao năng lực và tinh thần trách nhiệm của tập thể Lãnh đạo, công chức, Kiểm toán viên KTNN chuyên ngành VII trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán nói chung và tham mưu Lãnh đạo KTNN trong việc tham gia ý kiến góp ý đối với văn bản ngoài Ngành. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu: KTNN chuyên ngành VII cần phát huy những thuận lợi, đặc thù trong hoạt động của đơn vị; hạn chế tối đa những chồng chéo đang còn tồn tại trong hoạt động của đơn vị với Thanh tra Chính phủ cũng như phối hợp tốt với Trung tâm tin học trong khai thác, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ tốt nhất cho hoạt động của đơn vị. 

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đề nghị mỗi công chức, Kiểm toán viên KTNN chuyên ngành VII tự học, tăng cường trao đổi, học khỏi các đơn vị bạn, đồng thời tăng cường phương pháp làm việc cũng như thực hiện tốt đạo đức, văn hóa nghề nghiệp của một Kiểm toán nhà nước. 

Kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn lưu ý, đơn vị chủ động xây dựng quy trình, quy chế cũng như cập nhật xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ tốt cho hoạt động kiểm toán. “Do thực hiện kiểm toán với các đơn vị được kiểm toán có tính đặc thù, hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm. Vì vậy, trong triển khai nhiệm vụ, xây dựng KHKT, đơn vị cần đề cao yếu tố hiệu quả trong hoạt động kiểm toán, không chạy theo số lượng, phù hợp với năng lực của đơn vị và đặc thù của đối tượng kiểm toán, đồng thời phục vụ tốt nhất cho hoạt động giám sát của Đảng, Quốc hội cũng như tham gia ý kiến đối với dự toán ngân sách của các Bộ, ngành có liên quan. Bên cạnh đó, đơn vị cần tiếp tục nâng cao tính kỷ luật, kỷ cương, văn hóa nghề nghiệp, đạo đức công vụ của mỗi Kiểm toán viên để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách nhấn mạnh./.

Phương Ngọc

Phương Ngọc