KTNN thực hiện cuộc kiểm toán “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”

(sav.gov.vn) - Sáng 3/12/2021, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Ban chỉ đạo thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ” do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa làm Trưởng Ban đã họp cho ý kiến về kế hoạch triển khai cuộc kiểm toán. Đây là một trong những nội dung trọng tâm của kế hoạch kiểm toán 2022, phục vụ hoạt động giám sát và việc tham gia của KTNN vào hoạt động giám sát của Quốc hội.

Báo cáo Ban chỉ đạo, ông Lê Tùng Lâm, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III - đơn vị đầu mối chủ trì, phối hợp với các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán cho biết: Sau 2 năm kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch. Dịch bệnh lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài trên nhiều địa phương. Đến nay đã ghi nhận hơn 1,2 triệu ca mắc tại 64/64 tỉnh/thành và hơn 25 nghìn ca tử vong. Dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội.

Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid và ban hành nhiều chính sách nhằm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đồng thời huy động mọi nguồn lực tài chính, trang thiết bị từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN), vận động tài trợ, hỗ trợ của doanh nghiệp, tổ chức, chính phủ các nước cho công tác phòng, chống dịch.

Theo tổng hợp sơ bộ, tính đến 14/10/2021, số kinh phí đã vận động được là 20.646,4 tỷ đồng, trong đó, đã phân bổ, sử dụng 17.387 tỷ đồng. Ngoài ra, các Tập đoàn, Doanh nghiệp trong nước đã hỗ trợ 1.449 máy thở chức năng cao; 3.700 máy thở sản xuất trong nước; 2.100 hệ thống thở ô xy dòng cao HFNC; 100 máy xét nghiệm và 63 máy tách chiết, 63 xe ô tô vận chuyển vắc xin, 63 xe tiêm lưu động, 20 xe xét nghiệm lưu động; 23 tủ âm sâu; 156 triệu bơm kim tiêm, 800.000 hộp an toàn; 9,7 triệu dung dịch pha vắc xin tiêm chủng; 10.959.800 test nhanh; 196.860 test kháng thể; 200.000 test PCR.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, kinh phí NSNN năm 2021 đã cấp thực hiện phòng chống dịch Covid là 30.489,9 tỷ đồng, trong đó: Các Bộ, cơ quan Trung ương đã sử dụng 25.335,78 tỷ đồng; hỗ trợ các địa phương trong niên độ 2021 là 5.154 tỷ đồng.

Để triển khai nhiệm vụ kiểm toán “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo đã dự thảo Đề cương cuộc kiểm toán để các đơn vị tham gia ý kiến hoàn thiện. Theo đó mục tiêu kiểm toán chung là: Đánh giá công tác quản lý, điều hành của các Bộ, cơ quan Trung ương trong việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; phản ánh thực trạng tình hình quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí từ nguồn NSNN và từ việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ; thông qua kiểm toán phát hiện những bất cập để kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách, đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế trong quá trình quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; cung cấp những thông tin, số liệu tin cậy cho Quốc hội, Chính phủ và thực hiện chức năng giám sát quá trình quản lý tài chính và tài chính công.

Dự kiến, cuộc kiểm toán sẽ kéo dài trong 60 ngày, từ ngày 16/02/2022 đến 16/04/2022. Niên độ kiểm toán là từ ngày 01/01/2020 đến 31/12/2021.

Về nội dung kiểm toán, các Đoàn kiểm toán sẽ triển khai thu thập số liệu về tình hình huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Đối với nội dung kiểm toán tổng hợp, tại các Bộ, cơ quan Trung ương, các KTNN chuyên ngành sẽ kiểm toán đánh giá: Công tác tham mưu, xây dựng văn bản, chính sách đặc thù cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các Bộ, ngành có liên quan; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các văn bản, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Tài chính, Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan Trung ương trong thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19; công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và báo cáo đánh giá tình hình thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ tại các Bộ, ngành, địa phương theo nhiệm vụ được phân công; công tác quản lý, phân bổ, huy động và sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các Bộ, ngành có liên quan.

Tại các địa phương, các KTNN khu vực sẽ kiểm toán đánh giá: Công tác tổ chức, triển khai thực hiện các văn bản, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương trong thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19; công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và báo cáo đánh giá tình hình thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ tại các địa phương theo nhiệm vụ được phân công; công tác quản lý, phân bổ, huy động và sử dụng các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương có liên quan.

Đối với nội dung kiểm toán chi tiết, các Đoàn kiểm toán sẽ kiểm toán: Công tác lập, phân bổ, huy động nguồn NSNN, nguồn vận động tài trợ, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, chính phủ các nước; công tác lập, đề xuất đối tượng và kinh phí; việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trong phòng, chống dịch Covid-19 cho các đối tượng (lực lượng tuyến đầu chống dịch; bệnh nhân được điều trị, người bị cách ly y tế; lực lượng sản xuất và lưu thông hàng hóa, các đơn vị sử dụng lao động; người lao động); tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế, sinh phẩm, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 (gồm nguồn NSNN, nguồn vận động tài trợ, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, chính phủ các nước); công tác lập, phân bổ, huy động và quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cho công tác truyền thông, công nghệ phòng, chống dịch Covid-19; công tác lập, phân bổ, huy động và quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cho hỗ trợ thử nghiệm sản xuất vacxin trong nước, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm (kit thử) virus SARS-CoV-2 phòng, chống dịch Covid-19. Đánh giá công tác triển khai, tổng hợp, báo cáo kết quả và đề xuất (nếu có) trong thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.

Tại cuộc họp các thành viên Ban chỉ đạo cơ bản nhất trí với quan điểm, định hướng của Ban chỉ đạo về kế hoạch triển khai cuộc kiểm toán. Các thành viên Ban chỉ đạo cũng thống nhất tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán theo phương án thành lập các Đoàn kiểm toán tại các Bộ, ngành, địa phương.

Kết luận cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa yêu cầu các đơn vị khẩn trương xây dựng dự thảo công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các Bộ, ngành và địa phương liên quan để thu thập thông tin, số liệu phục vụ công tác khảo sát, lập đề cương kiểm toán, KHKT.

Theo kế hoạch, các KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực của KTNN sẽ hoàn thành đề cương kiểm toán trước ngày 10/12/2021; KTNN chuyên ngành III tổng hợp trình Ban chỉ đạo trước ngày 17/12/2021. Cuối tháng 12/2021, Ban chỉ đạo tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương liên quan. Dự kiến, ban hành đề cương kiểm toán và duyệt kế hoạch kiểm toán vào giữa tháng 1/2022.

Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo điều hành trực tiếp hoạt động kiểm toán từ khâu xét duyệt KHKT đến phát hành BCKT. Tổ giúp việc Ban chỉ đạo sẽ phân nhóm để tham gia thẩm định kế hoạch và báo cáo kiểm toán.

Về giới hạn kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết sẽ không thực hiện kiểm toán đối với những nội dung mà KTNN và Thanh tra Chính phủ đã thực hiện chỉ thực hiện thêm các nội dung theo Đề cương, Kế hoạch kiểm toán khi các cơ quan trên chưa thực hiện; không thực hiện kiểm toán chi tiết công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế, sinh phẩm, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch (chỉ tổng hợp số liệu) do Thanh tra Chính phủ đã thực hiện. Tùy hình hình khảo sát thực tế, các Đoàn kiểm toán sẽ xác định giới hạn và trình Lãnh đạo KTNN phê duyệt tại các KHKT.

Về tổ chức thực hiện, các Đoàn kiểm toán cử ít nhất 01 phó Kiểm toán trưởng để làm Trưởng đoàn. Các Vụ tham mưu gồm Tổng hợp, Pháp chế, Thanh tra, Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán cử cán bộ tham gia cùng.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo nêu cao tinh, thần trách nhiệm, tập trung triển khai các nhiệm vụ đã được phân công để sớm triển khai thực hiện cuộc kiểm toán./.

Hà Linh