Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030

(sav.gov.vn) - Chiều 13/9/2021, tại Nhà Quốc hội, Hà Nội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về kết quả triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN) giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, sau 1 năm triển khai thực hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan và các địa phương đã khắc phục những thách thức lớn trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp và đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện Chương trình.

Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội cùng với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương và ban hành kế hoạch công tác cụ thể của Ban Chỉ đạo Trung ương để tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Báo cáo Nghiên cứu khả thi của Chương trình. Nội dung của Chương trình bảo đảm đúng theo chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội. Các Bộ, ngành và địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có đánh giá khoa học, đầy đủ và khách quan làm cơ sở đề xuất chi tiết, đầy đủ nội dung đầu tư kèm theo các giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách trong khuôn khổ Chương trình MTQG các dự án, tiểu dự án của Chương trình bao phủ nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các giải pháp, cơ chế, chính sách cụ thể được tham vấn đầy đủ các bên liên quan, có tính khả thi cao trong giải quyết các vấn đề cơ bản, bức xúc nhất hiện nay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn nhất nói riêng…

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, bên cạnh kết quả đạt được vẫn có những tồn tại, hạn chế. Trong đó, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương còn chậm; tiến độ chuẩn bị đầu tư Chương trình bị kéo dài hơn so với kế hoạch đề ra. Một số văn bản về cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng, đặc biệt là tiến độ xây dựng quyết định của Thủ tướng về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương rất chậm dẫn đến những ảnh hưởng trong việc hoàn thành các thủ tục phê duyệt đầu tư Chương trình, tác động tới kế hoạch triển khai và chuẩn bị đầu tư của các địa phương. Nhu cầu nguồn lực đầu tư lớn so với khả năng đáp ứng của ngân sách Nhà nước; Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp…nên tiến độ của Chương trình chưa đạt yêu cầu đề ra. Quyết định đầu tư chương trình chưa được ban hành, các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện cũng chưa được ban hành.
 
Toàn cảnh phiên họp 
 
Thẩm tra Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS & MN giai đoạn 2021 – 2030, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Thường trực Hội đồng Dân tộc cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ.
 
Báo cáo thẩm tra đề nghị: Chính phủ làm rõ có tính thuyết phục hơn đối các nguyên nhân chủ quan trong việc chậm phê duyệt Chương trình cũng như ban hành các văn bản cơ chế chính sách, hướng dẫn thực hiện; mức độ đạt được đối với các nhiệm vụ cụ thể trong quý IV; các nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2022. Xây dựng phương án, lộ trình, nhiệm và giải pháp đầu tư thực hiện Chương trình trong cả giai đoạn 2021-2025 để đạt được mục tiêu đề ra; khẩn trương hoàn thiện báo cáo khả thi và Ban hành Quyết định đầu tư Chương trình ngay trong năm 2021.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo, hoàn thiện sớm các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện Chương trình đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ hoàn thành trong năm 2021, để kịp đưa Chương trình vào triển khai thực hiện bắt đầu tư năm 2022.  Chính phủ cũng sớm thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp Trung ương cho cả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời hướng dẫn công tác kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương thực hiện Chương trình; Có giải pháp chỉ đạo, sớm ban hành các chính sách đặc thù vì đây là cơ sở để triển khai thực hiện Chương trình. Chính phủ cần tăng cường kỷ cương, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong tổ chức thực hiện Chương trình…
 
Tại Phiên họp, các thành viên UBTVQH tập trung thảo luận các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình như: Rà soát các nội dung trùng lặp so với các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp giữa 3 Chương trình; Các giải pháp nhằm huy động nguồn lực trong nước, nguồn vốn ODA để triển khai Chương trình; Sự phối hợp giữa các Bộ ngành để thúc đẩy thực hiện Chương trình…
 
Phát biểu nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các Bộ, Ngành phải sớm kiện toàn Ban chỉ đạo chung để thúc đẩy thực hiện Chương trình với nhiệm vụ là đặt mục tiêu cho các đơn vị triển khai các công đoạn một cách nhanh chóng. Cơ quan chủ trì cần hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn để chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện và báo cáo  với Quốc hội. Việc huy động nguồn vốn ODA để thực hiện Chương trình cần rõ ràng, có sự thống nhất với các Chương trình Mục tiêu quốc gia khác và thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công.
 
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Việc Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đoạn 2021-2030 là quyết định có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm tạo động lực và bước đột phá trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2030. Tuy nhiên, sau 01 năm triển khai thực hiện, có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nên Chương trình chưa đạt mục tiêu đề ra. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp:
 
Sơ kết, đánh giá 01 năm triển khai thực hiện Chương trình để làm rõ trách nhiệm của 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan liên quan, các tỉnh, thành phố trong việc phối hợp, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ còn chậm. Tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải kịp thời, hiệu quả thiết thực hơn nữa.
 
Đôn đốc và sớm ban hành Quyết định đầu tư, các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình; sớm kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội và Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Xác định những nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo, cần ưu tiên đầu tư; sớm giải ngân vốn đầu tư đã được phân bổ năm 2021.
 
Đảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc của Chương trình đề ra, phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho vùng khó khăn, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất. Phân cấp mạnh cho địa phương và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương.
 
Rà soát hệ thống các văn bản, chính sách pháp luật có liên quan để điều chỉnh, bổ sung, tạo cơ chế thuận lợi triển khai thực hiện các Chương trình. Cần đối chiếu, bám sát mục tiêu của Nghị quyết 88 đã đề ra đến năm 2025, trên cơ sở đó có kế hoạch từng năm, 3 năm, 5 năm để theo quy định, sau khi sơ kết 5 năm sẽ hoạch định cho giai đoạn tiếp theo.
 
Phải nhìn nhận chương trình này trong tổng thể các Chương trình Mục tiêu quốc gia với mục tiêu là người dân thực sự được hưởng các quyền lợi từ Chương trình; đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào các dân tộc để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
 
Chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội./.
 
Ngọc Bích