Quốc hội nghe báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIV, sáng 26/10/2020, tại Nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Kiểm toán nhà nước chuyển 04 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, năm 2020, toàn Ngành Thanh tra đã triển khai 6.875 cuộc thanh tra hành chính (giảm 9% so với năm 2019) và 210.199 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm 17% so với năm 2019). Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện nhiều vi phạm; kiến nghị thu hồi trên 44.580 tỷ đồng và trên 1.401 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.656 tập thể và nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 155 vụ, 135 đối tượng (so với cùng kỳ năm 2019, tăng 53 vụ).

Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 54.770 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 04 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra; 02 vụ việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp 101 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các cơ quan chức năng.

Các Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 290 vụ, 616 bị can (tăng 70 vụ, 101 bị can so với cùng kỳ năm 2019). Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 350 vụ/962 bị can; đã giải quyết 246 vụ/692 bị can, đạt 75,4%. Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 436 vụ với 1.175 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 269 vụ, 645 bị cáo phạm các tội tham nhũng.

Về thi hành án hình sự trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, đã thi hành xong 3.605 việc (đạt tỉ lệ 84,13% số vụ việc có điều kiện thi hành), tăng 9,42% so với cùng kỳ năm 2019. Số tiền thu được là hơn 15.017 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 43,42% số có khả năng thi hành (tăng 14,01%) so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, việc thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng ngừa tham nhũng kết hợp với việc phát hiện và xử lý nghiêm minh một số vụ án liên quan đến tham nhũng, cùng với hiệu ứng tích cực có được từ công tác vận động, tuyên truyền và các đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng, các ngành, các cấp trong hệ thống nhà nước nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) đã có tác dụng răn đe và hạn chế tham nhũng. “Nhìn chung, tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế” – ông Lê Minh Khái khẳng định.

Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng thừa nhận, tình hình tham nhũng hiện vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện; Dự báo tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi “tham nhũng vặt” ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương. Quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng - ngân hàng, quản lý sử dụng tài chính, ngân sách, vốn và tài sản công tiếp tục là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, có thể gia tăng một số vụ việc với mức độ tinh vi hơn…
 
Kiên quyết không để xảy ra tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng
Đề cập đến những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính đã được quan tâm, có nhiều cố gắng, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn tình trạng hồ sơ giải quyết trễ hạn, bị yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần. Các Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã xây dựng, triển khai thực hiện rộng rãi. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa đạt theo Đề án, Kế hoạch đề ra. Một số Bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức theo quy định; việc kiểm tra nội bộ, tự phát hiện tham nhũng trong một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Một số đơn vị thuộc một số Bộ, ngành, địa phương xảy ra tham nhũng nhưng người đứng đầu chưa được xem xét, xử lý trách nhiệm kịp thời. Công tác thanh tra, giải quyết tố cáo phát hiện nhiều sai phạm trong nhiều lĩnh vực như đất đai, xây dựng, quản lý tài chính, ngân sách... nhưng việc kết luận hành vi tham nhũng trong các sai phạm này còn gặp khó khăn...
 

Quang cảnh phiên họp

Để công tác phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn nữa, năm 2021, Chính phủ tiếp tục xác định phòng chống tham nhũng sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Chính phủ kiến nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là việc triển khai thi hành các quy định mới của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các Luật mới được sửa đổi, bổ sung có liên quan chặt chẽ đối với công tác phòng, chống tham nhũng như Luật Giám định tư pháp, Luật Xây dựng; Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư...

Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát được phát hiện qua hoạt động tố tụng, kiểm toán nhà nước; tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, kiên quyết không để xảy ra tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhất là các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các cơ quan báo chí, doanh nghiệp và Nhân dân tiếp tục phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp để phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, phấn đấu tạo được bước chuyển rõ rệt, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, khắc phục cơ bản, tiến tới xóa bỏ tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò và trách nhiệm của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng.
 
Số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng
Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, trong năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid -19 nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực; số lượng vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý tăng cao.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội

Cơ quan chức năng khác đã có nhiều cố gắng, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm bảo đảm tiến độ khởi tố, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án; nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến…Qua đó đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, thể hiện sự nghiêm minh trong xử lý tội phạm về tham nhũng, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả trong dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với những dự báo của Chính phủ về tình hình tham nhũng "vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện".  Đồng thời cho rằng, bên cạnh tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc thì tình hình tham nhũng vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm như quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, tín dụng - ngân hàng, quản lý sử dụng tài chính...

Cũng theo bà Lê Thị Nga, số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng. Việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới vẫn là khâu yếu tồn tại qua nhiều năm. Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu, một số vụ việc phải tạm đình chỉ điều tra do hết thời hạn điều tra chưa có kết quả giám định, định giá tài sản; còn có vụ án phải đình chỉ do không chứng minh được tội phạm. “Vẫn còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật” – bà Lê Thị Nga nói.

Từ thực tế đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị cần đánh giá, nhận diện tình trạng "tham nhũng vặt", tham nhũng dưới hình thức "lợi ích nhóm", "sân sau", tham nhũng trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng và tổng kết, đánh giá hiệu quả của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng./.

M. Thúy