Bảo đảm sự thống nhất giữa Luật Kiểm toán nhà nước và các Luật có liên quan

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 48, ngày 17/9/2020, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Báo cáo tại phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ, kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật của KTNN cho thấy, giữa Luật KTNN với các Luật có liên quan còn những điểm chưa thống nhất, đồng bộ.

Nhiều điểm chưa thống nhất giữa Luật KTNN với các Luật liên quan

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, để kịp thời triển khai thi hành Luật (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020), KTNN đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN và chủ động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tiến độ và chất lượng (bao gồm 18 văn bản quy phạm pháp luật).

Trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản, KTNN luôn tuân thủ chặt chẽ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng được nâng cao, nội dung bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của UBTVQH; bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cùng với việc xây dựng các văn bản triển khai thi hành Luật KTNN sửa đổi, bổ sung, KTNN đã thực hiện rà soát các quy định có liên quan trong các Luật, nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước.

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, qua rà soát giữa Luật KTNN với các Luật có liên quan cho thấy, còn một số điểm chưa thống nhất, đồng bộ. Cụ thể, tại Khoản 6a Điều 11 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN quy định quyền hạn của KTNN “6a. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính”. Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.

Bên cạnh đó, tại Khoản 6 Điều 56 Luật KTNN năm 2015 quy định quyền của đơn vị được kiểm toán “Yêu cầu KTNN bồi thường thiệt hại trong trường hợp gây thiệt hại cho đơn vị được kiểm toán theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa quy định về phạm vi, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực KTNN.

Kết quả rà soát cũng cho thấy, còn chưa thống nhất về khái niệm “Tài sản công” giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và Luật KTNN.

Cụ thể, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định: “Tài sản công”“tài sản sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất  quản lý, bao gồm: Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách Nhà nước, các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối Nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác”.

Còn theo Luật KTNN thì “Tài sản công bao gồm: Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời; tài nguyên thiên nhiên khác; tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; tài sản công được giao cho các doanh nghiệp quản lý và sử dụng; tài sản dự trữ Nhà nước; tài sản thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công công và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.
 

Toàn cảnh phiên họp

Thẩm tra báo cáo của KTNN, liên quan đến quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, Ủy ban Tài chính –Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính đang gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội đã bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền của KTNN trong xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN như: Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 4 theo hướng giao UBTVQH quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động KTNN; bổ sung Điều 48a về thẩm quyền xử phạt của KTNN, trong đó quy định rõ thẩm quyền xử phạt của Trưởng Đoàn kiểm toán, Kiểm toán trưởng; bổ sung quy định về thẩm quyền cưỡng chế của Kiểm toán trưởng… “Như vậy sẽ bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của KTNN được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN”- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết.

Đối với quy định về phạm vi, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực KTNN, cơ quan thẩm tra nêu rõ, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã quy định các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát… có trách nhiệm giải quyết bồi thường trong các hoạt động quản lý hành chính, hoạt động tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính,… Tuy nhiên, Luật chưa có điều, khoản quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường của KTNN trong trường hợp gây thiệt hại cho đơn vị được kiểm toán. Do vậy, cơ quan thầm tra đề nghị cần phải bổ sung quy định khi sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để triển khai thực hiện nội dung về trách nhiệm bồi thường của KTNN được quy định tại khoản 6 Điều 56 Luật KTNN năm 2015.

Về sự thiếu thống nhất về khái niệm “Tài sản công” giữa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật KTNN, qua xem xét, nghiên cứu, cơ quan thẩm tra nhận thấy, phạm vi điều chỉnh tài sản công của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật KTNN là khác nhau. Khái niệm tài sản công quy định trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công bao hàm đầy đủ, toàn diện phạm vi của tài sản công (tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý…) trong khi Luật KTNN chỉ quy định về tài sản công theo hướng phân loại các tài sản công thuộc đối tượng kiểm toán, không trái với khái niệm tài sản công quy định trong Luật quản lý tài sản công.

Do vậy, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, nội dung về tài sản công được quy định ở 2 đạo Luật là không mâu thuẫn, không gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, về lâu dài, căn cứ vào tình hình thực tế và kinh nghiệm quốc tế tốt, cần tiếp tục nghiên cứu để quy định thống nhất khái niệm tài sản công trong các văn bản quy phạm pháp luật.
 
Kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật qua hoạt động kiểm toán

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, thông qua hoạt động kiểm toán hằng năm, KTNN đã có nhiều kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp thực tiễn hoặc chưa có sự thống nhất giữa các văn bản nhằm kịp thời khắc phục “lỗ hổng” của cơ chế, chính sách; tránh thất thoát, lãng phí; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia. Tổng hợp kết quả kiểm toán giai đoạn từ 01/01/2016 (khi Luật KTNN 2015 có hiệu lực) đến 31/12/2019, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế 667 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn (07 Luật, 01 Nghị quyết, 36 Nghị định, 115 Thông tư, 508 văn bản khác).

Thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2020, đến hết ngày 30/8/2020 KTNN đã phát hành 91 Báo cáo kiểm toán, kết quả đã kiến nghị các cơ quan rà soát, sửa đổi, bổ sung hủy bỏ 17 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: 01 Luật, 01 Nghị định, 09 Thông tư và 06 Quyết định.

Nhất trí với nội dung báo cáo của KTNN, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng chỉ rõ, ngoài việc kiến nghị rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ các văn bản là Nghị định, Thông tư, Quyết định thuộc thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành… KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn. Một số kiến nghị đã được nghiên cứu thể hiện trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới. Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu cụ thể, làm rõ hơn các kiến nghị của KTNN, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của hệ thống tổ chức công đoàn Việt Nam./.

M. Thúy