Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi)

(sav.gov.vn) - Tiếp tục Phiên họp 48, chiều ngày 15/9/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp. Mở đầu phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình bày Tờ trình Dự án Luật.

Về sự cần thiết xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết: Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thay thế Luật Giao thông đường bộ 2001, gồm 08 Chương với 89 Điều, được Quốc hội khóa XII Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13/11/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009. Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thông vận tải với các nước trong khu vực.

Sau quá trình tổng kết, nghiên cứu, Bộ Giao thông vận tải thấy rằng, bên cạnh việc phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cần tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy tắc giao thông của các công trình đường bộ có tính chất đặc thù như: Đường cao tốc, cầu dài vượt biển...; các cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng; khung pháp lý cho các loại phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành đặc biệt là hệ thống giao thông thông minh; điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải cho phù hợp với thực tế.
 
Việc sửa đổi, bổ sung này tương đối toàn diện, dự kiến thực hiện ở hầu hết các điều, các chương sẽ tạo nên các bước đột phá trong việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ; đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng; nâng cao, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông; phân công, phân nhiệm chặt chẽ, phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan chức năng để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, gắn chiến lược phát triển giao thông phù hợp với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đổi mới tổ chức giao thông đường bộ bảo đảm hợp lý, phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông và an toàn thuận lợi cho hoạt động vận tải; hiện đại hóa công tác giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí Thư, Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí Thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021.

Về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn thể cho biết: So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh. Theo đó, dự thảo Luật quy định về giao thông đường bộ gồm: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ. Các quy định về quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đăng ký phương tiện giao thông đường bộ, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ không được quy định tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
 
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, bố cục và nội dung chính của dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) gồm 6 Chương, 102 Điều. So với Luật Giao thông đường bộ 2008 dự thảo Luật đã bỏ 02 Chương: Chương quy định về quy tắc giao thông đường bộ và Chương về người điều khiển phương tiện tham gia đường bộ. Trong đó, về quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có một số điểm mới, đó là bổ sung hệ thống đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Nghị quyết số 26/TW của Ban Chấp hành trung ương khóa X, theo đó, đường giao thông nông thôn thuộc đường địa phương do chính quyền địa phương quản lý.

Quy định cụ thể đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hành lang an toàn giao thông đường bộ; các trường hợp mà hành lang an toàn giao thông chống lẫn giữa đường bộ với đường sắt, đường thủy, đê điều, công trình thủy lợi, … làm cơ sở để đền bù, giải phóng mặt bằng hành lang an toàn đường bộ theo quy hoạch các tuyến đường, cắm mốc lộ giới và phân định trách nhiệm quản lý.

Quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quy định chi tiết điều kiện, tiêu chí điều chỉnh các tuyến đường từ Trung ương thành địa phương và ngược lại, điều chỉnh các tuyến đường trong hệ thống địa phương để làm cơ sở điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Bổ sung các quy định mang tính đặc thù khi xây dựng công trình giao thông đường bộ như: Phải bố trí hạng mục hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt; xây dựng đường bên dọc đường cao tốc ở đô thị; xây dựng các điểm dừng đỗ xe trên đường có vận tải hành khách công cộng; xây dựng điểm dừng đỗ xe đưa đón học sinh tại nơi có trường học nhằm khắc phục ùn tắc giao thông và nguy cơ mất an toàn giao thông tại cổng trường học.

Bổ sung quy định về nội dung bảo trì và vận hành công trình đường bộ mang tính đặc thù trong lĩnh vực đường bộ như: Thực hiện công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; công tác xử lý điểm đen tai nạn giao thông, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ; bổ sung quy định về bảo trì đối với công trình đặc biệt khi xảy ra sự cố có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng (đường cao tốc, hầm, cầu và hầm cấp I cấp đặc biệt, hầm vượt sông, vượt biển, bến phà, cầu…).

Bổ sung các quy định làm rõ trách nhiệm trong tổ chức, quản lý vận hành khai thác và bảo trì hệ thống đường bộ từ Trung ương đến địa phương; đường chuyên dùng; đường bộ đi chung với đê điều, đường sắt với nguyên tắc cơ quan được giao tài sản công thì có trách nhiệm thực hiện bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được giao. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là tài sản công nhưng đang trong thời hạn cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn thì doanh nghiệp có trách nhiệm bảo trì theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công. Đối với đường chuyên dùng không phải là tài sản công thì người quản lý công trình thực hiện trách nhiệm bảo trì.

Bổ sung quy định thu phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện sử dụng đường bộ cao tốc, đường vành đai đô thị được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, cầu, hầm có quy mô lớn với mục tiêu tạo nguồn tài chính cho đầu tư, quản lý, bảo trì và khai thác đường bộ do Nhà nước đầu tư. Bổ sung các quy định về cơ chế đầu tư xây dựng, kinh doanh đường cao tốc để phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cũng bổ sung nhiều quy định mới liên quan đến phương tiện giao thông đường bộ. Trong đó, Ban soạn thảo đề xuất bổ sung quy định các quy định: Ô tô con phải có hướng dẫn để lắp ghế ngồi, lắp dây đai an toàn dành cho trẻ em trong tài liệu sử dụng.

Bổ sung quy định kiểm soát khí thải định kỳ, đèn tín hiệu nhận diện khi tham gia giao thông đối với xe mô tô, xe gắn máy. Bổ sung các hạng mục về an toàn kỹ thuật theo các thỏa thuận và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bổ sung các quy định về trách nhiệm của chủ phương tiện như: Kiểm tra định kỳ về khí thải xe mô tô, xe gắn máy; trách nhiệm trong việc bảo đảm yêu cầu về điều kiện phương tiện khi tham gia giao thông, giao phương tiện cho người đủ điều kiện điều khiển.

Bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư, cá nhân, doanh nghiệp thành lập trung tâm đăng kiểm; người đứng đầu trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, đăng kiểm viên kiểm định xe cơ giới.

Ngoài ra, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến vận tải đường bộ và quản lý Nhà nước về giao thông vận tải. Trong đó, bổ sung khái niệm kinh doanh vận tải để phân định rõ hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động vận tải nội bộ. Bổ sung quy định về công tác bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Bổ sung hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe 4 bánh có gắn động cơ; hoạt động kinh doanh cho thuê xe tự lái; hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô; dịch vụ cho thuê xe ô tô; sử dụng phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô.

Đáng chú ý, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các quy định về đăng ký, cấp thu hồi biển số phương tiện giao thông đường bộ; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ không còn được quy định trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)./.
Hà Linh