Ủy ban Thường vụ quốc hội cho ý kiến về quyết toán NSNN năm 2016: Chưa đưa vào quyết toán NSNN trên 3.270 tỷ đồng chi cho VEC

(sav.gov.vn) - Chiều 14/5/2018, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp phiên thứ 24 cho ý kiến Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2016, nhằm chuẩn bị báo cáo Quốc hội tại phiên họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, dự kiến tổ chức vào tháng 5/2018. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự phiên họp.

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Báo cáo tóm tắt quyết toán NSNN) năm 2016. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết cho biết, báo cáo quyết toán NSNN được xây dựng căn cứ Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2016 và bổ sung vốn nước ngoài năm 2016; trên cơ sở thẩm định, tổng hợp quyết toán NSNN của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; ý kiến của Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, dự toán thu NSNN năm 2016 tăng so với dự toán, chủ yếu từ tăng thu tiền sử dụng đất và thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại từ các DNNN. Trong đó, tăng chủ yếu của NS địa phương. Dự toán chi NSNN, tăng  so với dự toán, chủ yếu là tăng chi  phát triển từ nguồn tăng thu tiền sử dụng đất và nguồn năm trước chuyển sang theo quy định của Luật NSNN. Đánh giá về nhiệm vụ chi NSNN 2016, báo cáo của Chính phủ cho rằng, nhiệm vụ chi NSNN đã được thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội, HĐND các cấp; Công tác quản lý, kiểm soát NSNN chặt chẽ theo quy định của Luật NSNN và Nghị quyết của Quốc hội… Tuy nhiên, tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị. KTNN đã kiến nghị thu hồi các khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng. Kho bạc nhà nước phát hiện nhiều khoản chi không đúng định mức quy định. Việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương còn chậm so với quy định, đặc biệt là mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu nên chuyển nguồn sang năm sau thực hiện tiếp theo chế độ quy định.

Đối với kết quả xử lý kiến nghị của KTNN với công tác quản lý NSNN năm 2015, Báo cáo của Chính phủ nêu, tổng số kiến nghị liên quan đến NSNN là trên 16.054 tỷ đồng, đã thực hiện 12.595 tỷ đồng, đạt 78,4% số kiến nghị. Về kết quả xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm trong quản lý tài chính, NSNN đối với sai phạm năm 2014: Số tổ chức đã xử lý gồm 545 tổ chức, chiếm 85,1% bị đề nghị xử lý; Số cá nhân bị xử lý là 1.016 người, chiếm 94,5% số người bị đề nghị xử lý. Đối với sai phạm năm 2015: Số tổ chức đã xử lý gồm 631 tổ chức, chiếm 87,4% bị đề nghị xử lý; Số cá nhân bị xử lý là 1.061 người, chiếm 94,23% số người bị đề nghị xử lý.

Đối với nội dung chi ngân sách đầu tư cho VEC (Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam), do chưa có phương án xử lý tổng thể vốn đầu tư cho VEC, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) của Quốc hội và KTNN, Chính phủ trình UBTVQH cho phép chưa đưa vào quyết toán NSNN theo quy định số chi NSNN 3.270,44 tỷ đồng cho VEC.

Tại Phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đã trình bày báo cáo tóm tắt kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016 trên cơ sở tổng hợp kết quả kiểm toán của 283 báo cáo kiểm toán tại 229 đơn vị, đầu mối, chủ đề được kiểm toán trong năm 2017 đối với niên độ NSNN 2016.

Đánh giá về quản lý thu NSNN, Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng: Thu NSNN mặc dù vượt dự toán, nhưng chủ yếu tăng thu từ tiền sử dụng đất; Một số Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương lập, giao dự toán thu chưa đúng quy định, chưa đầy đủ, bao quát hết nguồn thu trên địa bàn...

Tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại nộp NSNN vẫn diễn ra phổ biến tại doanh nghiệp, đơn vị được kiểm toán; Nợ thuế có xu thế tăng cao; Công tác quản lý chi NSNN, vẫn còn tình trạng các Bộ, ngành, địa phương phân bố kế hoạch vốn chưa sát thực tế dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp; Bố trí vốn khi chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư, không tuân thủ thứ tự ưu tiên, không phân bổ hết từ đầu năm…

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giao trên 22.000 tỷ đồng cho 04 dự án của VEC chưa tuân thủ quy định tại các Nghị quyết, văn bản liên quan của Bộ Chính trị, Quốc hội và UBTVQH. Nợ công tiếp tục gia tăng so với năm 2015, gần chạm ngưỡng Quốc hội cho phép; Hệ số thanh toán trả nợ khá cao, gây áp lực bố trí nguồn trả nợ của NSNN.

Đánh giá về một số cơ chế, chính sách và hiệu quả một số chương trình, dự án, báo cáo của KTNN chỉ rõ: Văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 2010 ban hành chậm dẫn đến bất cập, vướng mắc khi thực hiện hồi tố thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ 1/7/2011 đến 31/12/2013 trên 2.835 tỷ đồng; Công tác quản lý và thu tiền sử dụng đất đô thị còn nhiều bất cập: Phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch các dự án đa số theo xu hướng tăng số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích công cộng... gây áp lực lớn tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là giao thông đô thị; Thực hiện chỉ định nhà thầu không đúng quy định; Phương pháp xác định giá đất còn nhiều bất cập, không rõ ràng... Hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu làm giảm sự cạnh tranh, tiềm ẩn rủi ro lựa chọn nhà đầu tư không đủ năng lực; Thanh toán cho nhà đầu tư không thông qua hình thức đấu giá, chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai; Chưa có quy định cụ thể về tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư nên có sự chênh lệch lớn giữa các hợp đồng...Một số địa phương và Bộ, ngành giao biên chế công chức vượt quy định do Bộ Nội vụ giao 6.087 biên chế; Sử dụng lao động thực tế trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định 63.279 người. Qua kiểm toán 40 dự án đầu tư theo hình thức BOT, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.467 tỷ đồng. Qua kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, KTNN đã xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước 9.639 tỷ đồng...
 

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ quyết toán NSNN năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải cho biết, sau phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Báo cáo quyết toán NSNN, Chính phủ đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của Thường trực UB TCNS để điều chỉnh số liệu quyết toán: Giảm quyết toán thu tương ứng số hoàn thuế GTGT 1.077 tỷ đồng; Giảm quyết toán chi đầu tư cho VEC 3.270,44 tỷ đồng; Thuyết minh rõ khoản tăng thu sử dụng đất từ sắp xếp, xử lý nhà đất của các cơ quan Trung ương 9.262 tỷ đồng…

Đánh giá về thực hiện chính sách tài khóa năm 2016, bên cạnh các kết quả đạt được, Thường trực UBTCNS cho rằng việc thực hiện một số nội dung liên quan đến chính sách tài khóa năm 2016 chưa thực sự hiệu quả; Cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững; Tỷ trọng các khoản thu, chi NSNN còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016-2020; Việc chậm cải cách hành chính thu cùng với giao dự toán vượt quá khả năng thực hiện dẫn đến năm 2016 có 12 địa phương hụt thu cân đối khoảng 5.300 tỷ đồng; Việc cơ cấu lại chi ngân sách chậm nên tỷ trọng chi thường xuyên/tổng chi NSNN có xu hướng tăng… 

Bên cạnh đó, một số hạn chế đã được nêu trong Báo cáo thẩm tra về quyết toán NSNN 2015 vẫn tiếp tục tái diễn như: Hoàn thuế GTGT không đầy đủ; Giao dự toán thu không sát; Phân bổ, giao dự toán chi chưa đúng quy định, chi chuyển nguồn lớn…

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, qua 03 báo cáo của Bộ Tài chính, KTNN, Ủy ban TCNS, UBTVQH cho rằng số liệu quyết toán NSNN 2016 đã được được quyết toán, kiểm toán, thẩm định theo đúng trình tự, đủ điều kiện trình để trình Quốc hội kỳ họp tới.

Thông qua các báo cáo của 03 cơ quan, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Cơ cấu thu NSNN năm 2016 chủ yếu là thu từ NS địa phương. Qua kết quả kiểm toán có thể đánh giá kỷ luật thu ngân sách chưa tốt. Kỷ luật tài chính vẫn còn biểu hiện lỏng lẻo nhất là chi cho xây dựng cơ bản. Bội chi NSNN tuy có giảm nhưng tỷ lệ bội chi vẫn vượt mức Quốc hội cho phép. Đối với nguồn vốn bố trí cho các dự án do VEC làm chủ đầu tư, đề nghị Chính phủ rà soát tổng thể, đánh giá hoàn chỉnh đề xuất phương án xử lý để xin ý kiến Bộ Chính trị, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Vì vậy, chưa đưa vào quyết toán NSNN năm 2016 trên 3.270 tỷ đồng chi cho VEC.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu, UBTCNS chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, KTNN để rà soát, thống nhất các số liệu về: Tổng thu cân đối NSNN; Tổng chi cân đối NSNN; Bội chi NSNN để báo cáo Quốc hội./.

Ngọc Bích