Tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng trong việc quản lý, lãnh đạo đội ngũ công chức, viên chức và người lao động

Thời gian qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị trực thuộc, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của KTNN.

Để tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính của công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, lãnh đạo đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong thực thi công vụ, đặc biệt là trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, ngày 6/3/2018, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đã ban hành Chỉ thị số 421/CT-KTNN về việc: Tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị trong việc quản lý, lãnh đạo đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành Kiểm toán nhà nước.

Tại Chỉ thị này, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thực hiện tổ chức quán triệt đến đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của đơn vị mình thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Tiếp tục tổ chức học tập và quán triệt sâu sắc Nghị quyết  số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các văn bản chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ và nâng cao chất lượng kiểm toán; Chấp hành nghiêm các quy định của Luật KTNN, Luật cán bộ, công chức, các quy định khác của Ngành và các văn bản pháp luật có liên quan đến kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, đạo đức công vụ.

Gương mẫu và nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của cấp trên; Tổ chức, điều hành hoạt động của đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có chất lượng và đúng thời hạn được giao; Quản lý, lãnh đạo công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi phân cấp; sắp xếp, bố trí thành viên các Tổ kiểm toán, Đoàn kiểm toán phải công tâm, khách quan, công khai, dân chủ và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công việc.

Trực tiếp chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực thi nhiệm vụ của công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý; Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm quy định của ngành và pháp luật; Chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý công chức, viên chức và người lao động của đơn vị mình trước Tổng Kiểm toán nhà nước, đặc biệt là công chức, Kiểm toán viên trong thời gian thực hiện các cuộc kiểm toán.

Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là trong hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động. Công tác kiểm tra cần tập trung vào việc thực hiện Chuẩn mực KTNN, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, lối sống sinh hoạt... của công chức, Kiểm toán viên trong thời gian thực hiện kiểm toán. Kịp thời phát hiện, khen thưởng, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến; Mọi dư luận, thông tin phản ánh về thái độ làm việc, ứng xử và các biểu hiện tiêu cực trong thi hành công vụ phải được xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thực hiện nghiêm việc kiểm điểm, xác định rõ nguyên nhân đối với các Đoàn KTNN, Tổ Kiểm toán và các Kiểm toán viên có kết quả kiến nghị xử lý tài chính ở mức “Hạn chế” theo quy định tại Quyết định số 1793/QĐ-KTNN ngày 04/11/2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp khắc phục; Kịp thời theo dõi, đánh giá đối với các Kiểm toán viên thuộc các Đoàn KTNN, Tổ kiểm toán có kết quả “Hạn chế” để làm cơ sở đánh giá, xếp loại công chức hàng năm, xem xét khi nâng lương, nâng ngạch, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển hoặc điều động cán bộ, đặc biệt là việc theo dõi tinh giản biên chế theo quy định.

Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Tổng Kiểm toán nhà nước nếu để xảy ra vi phạm thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý. Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ. Nếu công chức, viên chức và người lao động vi phạm bị xử lý kỷ luật thì tùy tính chất và mức độ của hành vi vi phạm của công chức, viên chức và người lao động, thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm liên đới (điều chuyển, miễn nhiệm, giáng chức, cách chức, cảnh cáo, khiển trách, phê bình).

Chỉ thị nêu rõ, cấp phó của người đứng đầu đơn vị cũng phải chịu trách nhiệm như Thủ trưởng đơn vị trong lĩnh vực được phân công lãnh đạo, quản lý, điều hành.

Tổng Kiểm toán nhà nước giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị, các Đoàn  kiểm toán, Tổ kiểm toán, các công chức, viên chức và người lao động trong việc thực hiện Chỉ thị này và tổng hợp báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước về tình hình, kết quả thực hiện./.

Thanh Trang