Đoàn đánh giá Quỹ tín thác đa biên Bộ Tài chính làm việc với Kiểm toán Nhà nước

 Ngày 13/1/2006 vừa qua, GS.TS Vương Đình Huệ, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đã tiếp và làm việc với Nhóm chuyên gia của cuộc đánh giá hỗn hợp giữa kỳ do Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ thành lập với mục đích đánh giá tình hình thực hiện và hiệu quả hoạt động của Quỹ tín thác đa biên (MDTF) .

 Theo thoả thuận giữa Bộ Tài chính, Ngân hàng thế giới và các Nhà tài trợ, Quỹ MDTF được tài trợ từ 8 nhà tài trợ là Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch, Canada, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Vương quốc Anh và EC theo hình thức viện trợ không hoàn lại, ủy thác qua Ngân hàng Thế giới. Mục đích các khoản tài trợ này nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Chương trình Tổng thể Hiện đại hóa ngành Tài chính. Hoạt động của Quỹ được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 kéo dài từ 4/2/2004 đến hết năm 2006; tiếp đó giai đoạn 2 dự kiến kéo dài trong vòng 18 tháng. Trong chương trình làm việc lần này, Nhóm chuyên gia tập trung đánh giá các vấn đề: Mức độ hoàn thành mục tiêu của Quỹ; tính hiệu quả và hiệu suất của Quỹ; xem xét và đề xuất những hỗ trợ cần thiết từ các nhà tài trợ để chuyển giao quyền quản lý, điều hành Quỹ cho Bộ Tài chính; đánh giá vai trò của Quỹ như là phương tiện hữu ích để tiếp nhận, sử dụng viện trợ nước ngoài cho hỗ trợ cải cách và hiện đại hóa ngành tài chính; xây dựng lộ trình chuyển giao Quỹ cho Bộ Tài chính và đề xuất những hỗ trợ cần thiết cho việc triển khai thực hiện giai đoạn 2.

Mục đích buổi làm việc của Nhóm chuyên gia nhằm tìm hiểu vai trò của cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nói chung và trong tiến trình cải cách tài chính công ở Việt Nam; mối quan hệ giữa KTNN, Bộ Tài chính và Quốc hội trong chương trình cải cách tài chính công; kinh nghiệm của KTNN Việt Nam trong việc kiểm toán các vấn đề liên quan tới MTDF và dự kiến kế hoạch về vấn đề này trong tương lai. Giới thiệu về sự hình thành và phát triển của KTNN Việt Nam và trả lời những nội dung của Nhóm chuyên gia đề ra, GS.TS Vương Đình Huệ khẳng định: Sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và KTNN là rất cần thiết trong hoạt động chuyên môn của cơ quan kiểm toán, đặc biệt trong tiến trình cải cách tài chính công, giúp Quốc hội thực hiện tốt hơn công tác giám sát chi tiêu ngân sách nhà nước và phòng, chống tham nhũng. Sự phối hợp đó không làm giảm tính độc lập của cơ quan KTNN mà còn giúp cho các chính sách tài chính của Nhà nước được thực hiện tốt hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Nhóm chuyên gia cho biết, để thành công trong công tác cải cách tài chính công cần phải có sự kết hợp chặt chẽ của 3 bên: Bộ Tài chính, các cơ quan trung ương của Chính phủ và các đơn vị khác như KTNN...