Văn phòng Tổng Kiểm toán Rwanda chỉ ra nhiều thiếu sót trong hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách

(sav.gov.vn) - Báo cáo của Văn phòng Tổng Kiểm toán Rwanda (OAG) cho năm tài chính kết thúc ngày 30/6/2023 đã chỉ ra các trường hợp quản lý tài sản công yếu kém trong nhiều lĩnh vực. Qua đó, OAG kêu gọi các cơ quan, tổ chức công cần có hành động cụ thể để đảm bảo tính kinh tế, tính hiệu quả trong hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách.

Hàng loạt thiếu sót được kiểm toán chỉ ra

Báo cáo của OAG chỉ ra rằng, trong số 208 đơn vị (bao gồm 21 doanh nghiệp của Chính phủ) và dự án công được kiểm toán, có 191 (92%) ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần, 11 (5,2%) ý kiến kiểm toán ngoại trừ và 6 (2,8%) ý kiến kiểm toán trái ngược. Để hiện thực hóa tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong việc sử dụng quỹ công, 206 cuộc kiểm toán tuân thủ đã được thực hiện. Kết quả là, 122 đơn vị (59%) nhận được ý kiến chấp nhận toàn phần, 65 đơn vị (32%) nhận ý kiến ngoại trừ và 19 đơn vị (9%) nhận ý kiến trái ngược.  

OAG cho biết, các cuộc kiểm toán năm nay đã sử dụng một số phương pháp kiểm toán mới để đánh giá các hợp đồng trước hoặc trong khi thực hiện, giúp xác định các khoản thất thoát tài chính trong khi vẫn có cơ hội khắc phục. OAG đã xác định khoản thất thoát tài chính lên tới 6,92 tỷ franc Rwanda (RWF), tương đương gần 5,3 triệu USD, do hợp đồng không phù hợp, việc giám sát dự án và rà soát hóa đơn chưa chặt chẽ.

Theo báo cáo, một công ty con của Tập đoàn Năng lượng Rwanda đã lỗ trước thuế thu nhập 53,47 tỷ RWF (lỗ 31,3 tỷ RWF trong năm 2022) và có khoản lỗ lũy kế lên tới 126,39 tỷ RWF. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những khoản lỗ lớn là do việc mua điện từ các nguồn có chi phí cao; 33,89 tỷ RWF đã được dùng để mua điện từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng dầu diesel.

Trong lĩnh vực giáo dục, số lượng sách giáo khoa cho học sinh vẫn thiếu trầm trọng ở tất cả các tỉnh. Bình quân, một cuốn sách được từ 5 đến 48 học sinh dùng chung; một số trường thiếu hẳn sách giáo khoa cho một số môn học. OAG cho biết, 70% trong số 50 trường được khảo sát không tiến hành xác định nhu cầu đặc biệt của học viên khuyết tật do thiếu các quy trình chuẩn hóa và các công cụ hướng dẫn liên quan. Báo cáo cho biết thêm, ở cả cấp quốc gia và cấp trường, các tài liệu học tập cho người khuyết tật đều thiếu gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, OAG chỉ ra nhiều thiếu sót trong việc quản lý, sử dụng ngân sách của Bộ Tài chính và Kinh tế, Bộ Thương mại và Công nghiệp… Sự chậm trễ trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực phù hợp của các Bộ khiến các mục tiêu của nhiều dự án công không đạt được, các mục tiêu dự trữ xăng dầu theo chiến lược quốc gia cũng thất bại.

Đáng chú ý, OAG kết luận, hầu hết các gian lận được chỉ ra trong những năm trước chưa được giải quyết. Theo OAG, các gian lận chưa được giải quyết đã tích lũy tới 2,36 tỷ RWF từ năm 2013 đến năm 2022. Các cuộc hậu kiểm trong năm 2023 chỉ ra rằng các tổ chức công chỉ thu hồi được 18 triệu RWF; 2,34 tỷ RWF còn lại vẫn chưa được giải quyết.

Nỗ lực hơn để ngăn ngừa sai phạm trong quản lý tài chính

Bên cạnh việc đánh giá cao một số phương pháp kiểm toán mới, phù hợp, giúp ngăn ngừa những thiếu sót trong quản lý tài chính công gây cản trở Chính phủ đạt được các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược chuyển đổi quốc gia, OAG cũng mạnh mẽ lên án sai phạm và đưa ra những khuyến nghị cho các hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công.

OAG bày tỏ lo ngại khi tiến độ triển khai các dự án của Chính phủ liên tục chậm trễ. Trong năm qua, các tổ chức công đã trì hoãn việc thực hiện 8 dự án trị giá hơn 564 tỷ RWF. Thời hạn thực hiện dự án ban đầu đã hết hoặc sắp hết nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn thấp. Điều này khiến các dự án có nguy cơ bị mất một phần nguồn tài trợ từ các đối tác phát triển.

Hai dự án lớn bị trì hoãn là Chương trình vệ sinh và cung cấp nước bền vững Rwanda và Quỹ đổi mới Rwanda. Nguyên nhân gây ra tình trạng này một phần là do quá trình mua sắm công kéo dài và dự án chưa được chuẩn bị sẵn sàng trước khi bắt đầu. Do đó, OAG lưu ý, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để giảm thiểu chi phí và giúp đạt được các mục tiêu dự kiến.

Cùng với việc chỉ ra những nguyên nhân, hậu quả của tình trạng quản lý chi phí yếu kém của các công ty năng lượng nhà nước, báo cáo đặc biệt khuyến nghị Tập đoàn Năng lượng Rwanda cần đẩy nhanh việc thực hiện các dự án thủy điện để giảm thiểu chi phí sản xuất điện nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.

Báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị cho các Bộ: Bộ Tài chính và Kinh tế cần thực hiện công tác tuyển dụng hiệu quả hơn; Bộ Thương mại và Công nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để đảm bảo đạt được mục tiêu dự trữ nhiên liệu trong kế hoạch đã đặt ra./.

(Theo OAG và tổng hợp)