Thiếu nhân sự nghiêm trọng
ACA đã tiến hành cuộc kiểm toán nhằm xem xét công tác phòng, chống tội phạm tài chính trong lĩnh vực quản lý thuế, đồng thời đánh giá công tác quản lý dữ liệu trong 5 năm qua tại Bộ Tài chính và Cơ quan Phòng, chống gian lận trực thuộc Bộ.
Mục tiêu của cuộc kiểm toán nhằm đánh giá hiệu quả công tác phát hiện tội phạm, quản lý thuế, sự phối hợp của các cơ quan trong phòng, chống gian lận. ACA cũng đánh giá công tác tổ chức, quy trình hoạt động của Bộ; các biện pháp lưu trữ số liệu; nguồn nhân lực và trang, thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) cũng như hệ thống kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm tài chính.
ACA cho biết, sau khi tiến hành một số cải cách trong hoạt động tài chính, Bộ Tài chính đã thành lập Cơ quan Phòng, chống gian lận với tư cách là cơ quan điều tra tội phạm tài chính từ ngày 01/01/2021. Từ đây, cơ quan này đã được nhận nhiệm vụ chịu trách nhiệm chung trong việc thi hành Luật Tội phạm tài chính trong lĩnh vực quản lý thuế và là cơ quan chịu trách nhiệm về phòng, chống tội phạm tài chính trên toàn nước Áo.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu nhân viên của Bộ Tài chính đã diễn ra trong nhiều năm, gây ra nhiều nguy cơ, khiến Bộ không thể duy trì được chất lượng công việc theo yêu cầu và chưa phát huy hiệu quả hoạt động của cơ quan trên.
"Thiếu nhân sự là một trong những trở ngại lớn nhất, gây ra nhiều khó khăn cho công tác cải cách các hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm tài chính." - Tòa Thẩm kế Áo
Mặc dù ACA đánh giá cao việc cơ quan này được thành lập kịp thời, hợp lý. Tuy nhiên, trong nhiều năm, Bộ Tài chính đã không đủ nỗ lực để bổ sung số lượng nhân sự nghỉ việc trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm tài chính. Vụ Kiểm toán nội bộ của Bộ cũng chỉ ra tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng trong lĩnh vực này trong năm 2010 và năm 2016.
Việc thiếu nhân sự đã dẫn đến tình trạng Cơ quan Phòng, chống gian lận không thể hoàn thành nhiệm vụ trong năm đầu tiên thành lập. Cụ thể, vào cuối năm 2021, chỉ có 21/32 vị trí nhân sự toàn thời gian được bổ sung theo kế hoạch. ACA bày tỏ lo ngại khi trong thời gian tới, số lượng nhân sự sẽ tiếp tục giảm đáng kể do nhiều nhân sự đến tuổi nghỉ hưu.
Cần tập trung vào phát triển nguồn nhân lực
Tính đến đầu tháng 3/2022, trong số 236 vị trí cần thiết, Cơ quan Phòng, chống gian lận chỉ tuyển được 195 vị trí nhân sự toàn thời gian. ACA cũng chỉ ra rằng, Thủ đô Viên đặc biệt có nhu cầu tăng cường nhân sự trong phòng, chống tội phạm tài chính. Tuy nhiên, tại đây chỉ có một nửa nhân sự cần thiết được tuyển. Do đó, ACA khuyến nghị, cơ quan cần có các biện pháp hỗ trợ công tác tuyển dụng hiệu quả.
Các kiểm toán viên cho rằng, để công tác phòng, chống tội phạm tài chính đạt hiệu quả hơn, cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Mặc dù vậy, hơn một năm sau khi thành lập, việc phân bổ công việc có sự hỗ trợ của CNTT tại Cơ quan Phòng, chống gian lận vẫn chưa được triển khai. Ngoài ra, quy trình CNTT được sử dụng còn có những thiếu sót như việc đánh giá dữ liệu bị giới hạn, việc trích xuất dữ liệu rất phức tạp, khiến việc kiểm soát và lập kế hoạch trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm tài chính khó khăn hơn.
Theo khuyến nghị của ACA, Bộ Tài chính cần khẩn trương đánh giá, đồng thời khắc phục kịp thời những thiếu sót hiện có trong quy trình CNTT liên quan đến các vấn đề tội phạm tài chính. Bên cạnh đó, cần triển khai những cải tiến để có thể đảm bảo quy trình làm việc được hỗ trợ tối đa bởi các ứng dụng CNTT, chú trọng hoạt động phòng, chống gian lận trực tuyến. Công tác quản lý dữ liệu, số liệu quan trọng hỗ trợ hoạt động phân tích và kiểm soát lĩnh vực tài chính cũng được ACA nhấn mạnh.
ACA cho biết thêm, cơ sở pháp lý của Cơ quan Phòng, chống gian lận chưa đầy đủ, nhiều trường hợp vi phạm do lợi dụng các kẽ hở của luật pháp, liên tục có những hình thức lừa đảo mới mà chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ… Do đó, ACA khuyến nghị cơ quan này cần đẩy mạnh thực hiện các điều chỉnh cần thiết về mặt pháp lý.
Đối với việc phối hợp giữa Bộ Tài chính, Cơ quan Phòng, chống gian lận và các Bộ, ban, ngành khác, ACA khuyến nghị các cơ quan cần chú trọng hơn công tác trao đổi các báo cáo, đảm bảo thực hiện theo một quy trình cụ thể, thống nhất để cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều tra. Để tăng cường công tác quản lý rủi ro, nhân sự cũng cần thường xuyên được đào tạo về chất lượng, bổ sung về số lượng và được mở rộng vai trò, trách nhiệm hơn nữa./.
(Theo rechnungshof.gv.at và tổng hợp)