SAI cần nâng cao vai trò để góp phần đối phó với thảm hoạ
Thế giới đang chứng kiến sự gia tăng không ngừng của các thảm họa tự nhiên và biến đổi khí hậu; từ lũ lụt, hạn hán ở Brazil, động đất, sóng thần tại Nhật Bản đến các vụ cháy rừng khốc liệt ở Chile và hàng loạt cơn bão, lốc xoáy càn quét Hoa Kỳ.
Các báo cáo của Liên hợp quốc (UN) đã cho thấy sự gia tăng đáng báo động về số lượng và mức độ nghiêm trọng của các tình huống khẩn cấp về khí hậu trong 2 thập kỷ qua. Theo báo cáo của Văn phòng UN về Giảm thiểu rủi ro thảm họa, từ năm 2000 đến 2020, đã có hơn 7000 thiên tai khiến hơn một triệu người thiệt mạng; thiệt hại kinh tế toàn cầu lên đến hơn 2 nghìn tỷ USD.
Tương tự, báo cáo được công bố vào tháng 3/2023 bởi Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu đã xác nhận tác động của con người đối với biến đổi khí hậu, đặc biệt là thực trạng phát thải khí nhà kính. Những yếu tố trên không chỉ gây ra thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và cuộc sống của hàng triệu người, qua đó đặt ra thách thức lớn cho cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó và phục hồi.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch INTOSAI đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của các SAI trong việc đối mặt với những thách thức, rủi ro. Các SAI có vai trò không thể phủ nhận trong việc đánh giá chính sách quản lý thảm họa, kiểm toán việc sử dụng nguồn lực của các chính phủ và đảm bảo rằng, các biện pháp ứng phó được thực hiện một cách minh bạch và hiệu quả.
Tại Đại hội của INTOSAI lần thứ 24 tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil, các đại biểu đã nhấn mạnh sự cần thiết của các SAI trong việc sẵn sàng hành động và hỗ trợ chính phủ trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng, từ chiến tranh, dịch bệnh đến khủng hoảng tài chính hay thảm họa tự nhiên. Chủ tịch INTOSAI nhấn mạnh thêm về sự cần thiết của việc xây dựng các kế hoạch phục hồi sau thảm họa trong cộng đồng quốc tế.
Thúc đẩy chức năng giám sát độc lập đối với hành động thích ứng biến đổi khí hậuTheo INTOSAI, việc chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp kiểm toán giữa các SAI qua các Diễn đàn của INTOSAI là hết sức quan trọng, tạo điều kiện cho việc học hỏi lẫn nhau và tăng cường khả năng ứng phó chung trước các thách thức toàn cầu. Sự hợp tác này cũng bao gồm việc thực hiện các dự án quốc tế như Kiểm toán hợp tác toàn cầu về các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu (CCAA).
Hưởng ứng lời kêu gọi sự chung tay và hợp tác giữa các SAI trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro từ khủng hoảng nói chung và thiên tai nói riêng, góp phần giảm thiểu rủi ro thảm họa trong bối cảnh hiện nay, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động kiểm toán chung trong khu vực và trên thế giới.
Trong năm 2023, KTNN nhận được thư của Cơ quan sáng kiến phát triển INTOSAI phối hợp với Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của INTOSAI (WGEA) mời tham gia CCAA dành cho các SAI thành viên thuộc khu vực ASOSAI giai đoạn 2023-2024. Mục đích nhằm tăng cường năng lực, hỗ trợ các SAI thành viên thực hiện hoạt động theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISSAI) trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu.
KTNN cùng các SAI tham gia CCAA đã lựa chọn thực hiện kiểm toán tại quốc gia mình theo một trong 4 chuyên đề gồm Giảm thiểu rủi ro thiên tai; Quản lý nguồn nước; Nước biển dâng và xói lở bờ biển; Thực hiện kế hoạch và hành động thích ứng biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tập trung đánh giá 3 nội dung chính xuyên suốt 4 chuyên đề nêu trên gồm quản trị tốt, tính hiệu quả và tính bao trùm của chính phủ trong hành động thích ứng biến đổi khí hậu. SAI tham gia được chủ động xác định phạm vi kiểm toán phù hợp với bối cảnh, tổ chức hoạt động, năng lực của SAI để kiểm toán một đơn vị, chương trình, lĩnh vực, các hành động thích ứng biến đổi khí hậu hoặc kết quả thực hiện kế hoạch của chính phủ.
Theo Chương trình, IDI-INTOSAI WGEA cùng các chuyên gia sử dụng Mô hình hỗ trợ kiểm toán hợp tác và đào tạo tích hợp của IDI để hỗ trợ SAI tham gia cuộc kiểm toán. CCAA gồm chuỗi nhiều hoạt động, sau khi lựa chọn chủ đề kiểm toán sẽ tiến hành thực hiện kiểm toán và phát hành báo cáo trong năm 2024; dự kiến sẽ công bố báo cáo toàn cầu về Chương trình trong năm 2025. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, IDI-INTOSAI WGEA sẽ tổ chức các cuộc họp cấp cao với lãnh đạo SAI và các bên liên quan, thảo luận những nội dung và vai trò của SAI trong việc thúc đẩy chức năng giám sát độc lập đối với hành động thích ứng biến đổi khí hậu.
Tham gia CCAA, KTNN Việt Nam có cơ hội tăng cường năng lực trong thực hiện các cuộc kiểm toán chất lượng, mang lại tác động lớn hơn trong lĩnh vực kiểm toán môi trường, đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu tuân thủ theo ISSAI.
Căn cứ nội dung kế hoạch của chương trình, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã ký cam kết tham gia và gửi đơn đề cử Tổ kiểm toán của KTNN tham gia chương trình, giao KTNN Chuyên ngành III làm đơn vị đầu mối chủ trì, phối hợp với Nhóm công tác về kiểm toán các lĩnh vực mới của KTNN tham gia Chương trình thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác CCAA. Hiện, KTNN Chuyên ngành III của KTNN Việt Nam đang thực hiện quá trình xây dựng kế hoạch./.