Lập kế hoạch kiểm toán dựa trên sự hợp tác để đánh giá rủi ro

Kiểm toán nội bộ (KTNB) đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá tính hiệu quả của quản lý rủi ro doanh nghiệp và đề xuất các cải tiến. Do đó, kiểm toán viên nội bộ cần cộng tác với ban lãnh đạo và tất cả các bộ phận khác để thực hiện đánh giá rủi ro, từ đó hình thành bức tranh toàn diện về rủi ro của doanh nghiệp.

Để mỗi cuộc kiểm toán mang lại giá trị thực cho tổ chức, KTNB cần có một quy trình đánh giá rủi ro hiệu quả làm cơ sở cho việc hình thành một kế hoạch kiểm toán (KHKT) toàn diện. Theo các chuyên gia của AuditBoard, lập KHKT dựa trên sự hợp tác để đánh giá rủi ro sẽ bao gồm: Sắp xếp kế hoạch phù hợp với mục tiêu của ban lãnh đạo, chuyển sang đánh giá rủi ro thường xuyên hơn thay vì dựa vào đánh giá rủi ro hằng năm, thực hiện đánh giá kỹ năng nhằm đảm bảo kiểm toán viên nội bộ có đủ năng lực để kiểm toán các lĩnh vực mới và xác định rủi ro một cách thích hợp.
 
Hiểu các mục tiêu của ban lãnh đạo

Yêu cầu đầu tiên của việc lập KHKT dựa trên sự hợp tác để đánh giá rủi ro là KTNB phải hiểu các mục tiêu của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Theo bà Allie McGillick - Giám đốc Dịch vụ tư vấn giải pháp (AuditBoard), thông thường, KTNB bắt đầu lập KHKT với danh sách các thực thể và rủi ro chung. Còn lập KHKT dựa trên đánh giá rủi ro thông qua sự hợp tác bắt đầu bằng việc xác định các mục tiêu của tổ chức, sau đó tìm hiểu các rủi ro có thể ngăn cản ban quản lý đạt được các mục tiêu đó. Các mục tiêu kinh doanh vẫn luôn có sẵn trong các báo cáo hằng năm, nhưng việc trao đổi với ban lãnh đạo sẽ khám phá ra các bước cơ bản hỗ trợ các mục tiêu đó. Đây là lúc kiểm toán viên thực hiện bước đầu tiên để lập KHKT.

Các cuộc trao đổi của kiểm toán viên có thể là với thành viên ban lãnh đạo, các nhóm đảm bảo khác (về pháp lý, công nghệ, môi trường…) hoặc với các nhân viên của doanh nghiệp nhằm tìm hiểu sâu hơn về các mục tiêu nhỏ hỗ trợ các mục tiêu lớn hơn. Đồng thời, thông tin kiểm toán viên thu thập được sẽ được cập nhật vào phần mềm đánh giá rủi ro hỗ trợ lập KHKT.
 
Đánh giá rủi ro thường xuyên dựa trên dữ liệu của toàn doanh nghiệp

Sau khi đã có sự trao đổi và hiểu các mục tiêu của ban lãnh đạo, KTNB sẽ tiến hành đánh giá rủi ro, bao gồm các rủi ro đã biết và rủi ro mới xuất hiện. Kiểm toán viên có thể gia tăng giá trị cho quy trình đánh giá rủi ro bằng cách kết hợp dữ liệu đánh giá rủi ro từ ban lãnh đạo với các bộ phận khác, đồng thời bổ sung các dữ liệu mới khi môi trường thay đổi.

Thực tế cho thấy, các đánh giá theo chu kỳ hằng năm không thể theo kịp sự biến động nhanh chóng của môi trường tác động đến tổ chức. Do đó, KTNB phải chuyển sang đánh giá rủi ro thường xuyên hơn, cũng như tận dụng triệt để các phần mềm đánh giá rủi ro để kết nối dữ liệu của toàn doanh nghiệp, hạn chế việc làm tăng thời gian làm việc của các bộ phận.
 
Phân bổ đúng nguồn lực

Một yêu cầu không thể thiếu khi lập KHKT là thiết lập lịch trình làm việc hợp lý cho cả nhóm. Theo bà Melina Sartena - Phó Giám đốc Dịch vụ tư vấn giải pháp (AuditBoard), để phân bổ nguồn lực phù hợp, KTNB cần tận dụng các kiểm toán viên có kỹ năng đa dạng và xử lý được nhiều tình huống khác nhau. Chẳng hạn như, các kiểm toán viên hội tụ các kỹ năng về công nghệ thông tin, kiểm toán hoạt động hoặc kiểm toán tài chính thì có thể tạo thành một nhóm chuyên kiểm tra các biện pháp kiểm soát và báo cáo về các vấn đề mà họ phát hiện, giúp tăng thêm giá trị cho ban lãnh đạo doanh nghiệp. KTNB cần thực hiện đánh giá kỹ năng để xác định những cá nhân nào phù hợp nhất với công việc cụ thể. Đồng thời, kiểm toán viên cũng phải bổ sung các kỹ năng mới, cần thiết như: Trí tuệ nhân tạo, học máy và quản trị trong bối cảnh dữ liệu ngày càng bùng nổ. 

Khi bạn bắt đầu với các mục tiêu kinh doanh và đánh giá dựa trên bối cảnh rủi ro hiện tại, các cuộc kiểm toán sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp và khiến ban lãnh đạo quan tâm hơn đến kết quả kiểm toán. Do đó, bất kỳ vấn đề nào mà KTNB tìm ra đều được liên kết với tất cả các phòng, ban và tác động đến việc ra quyết định giải quyết ngay của lãnh đạo, hướng tới việc đạt được các mục tiêu đã đề ra./.
 
Thùy Lê
Báo Kiểm toán số 13/2023