Hàng trăm triệu USD viện trợ của Nhật Bản không được sử dụng hiệu quả

  13,3 tỷ Yên, tương đương khoảng 119 triệu USD, đã không được sử dụng hiệu quả trong một số chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản. Đây là thông tin được công bố trong Báo cáo kiểm toán tài chính 2018 phát hành hồi đầu tháng 11 vừa qua của Ủy ban Kiểm toán Nhật Bản (BOA).

Các chương trình, dự án không hiệu quả mà BOA đề cập đến bao gồm các khoản viện trợ để xây dựng cơ sở xử lý nước và cung cấp tàu thuyền để giám sát các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp ở Quần đảo Solomon và Indonesia. BOA cho biết, cả cơ sở xử lý nước lẫn tàu thuyền đều không được sử dụng hợp lý.

Quần đảo Solomon ở Nam Thái Bình Dương bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng do các cuộc xung đột sắc tộc. Từ lâu, người dân ở Thủ đô Honiara đã phải đối mặt với những thách thức về đảm bảo nguồn nước an toàn, do nước suối - nguồn nước sinh hoạt chính - trở nên đục bẩn mỗi khi có những cơn mưa xối xả đổ xuống khu vực này. Vào năm 2015, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng tại Thành phố này một cơ sở xử lý nước để cải thiện chất lượng nước theo chương trình viện trợ phát triển trị giá 2,09 tỷ Yên. Theo kế hoạch của dự án, cơ sở xử lý nước này sẽ thanh lọc và khử trùng 1.600 m3 nước/ngày, sau đó sẽ được vận chuyển đến một hồ chứa thông qua các đường ống nước hiện có trước khi cung cấp tới mỗi hộ gia đình.

Tuy nhiên, qua kiểm toán việc thực hiện dự án, BOA nhận thấy các đường ống đã quá cũ và xuống cấp đến mức rò rỉ, làm giảm áp suất cần thiết để đẩy nước sạch tới nơi cần đến. Do đó, cơ quan dịch vụ nước sạch địa phương cuối cùng đã phải cấp nước tới các hộ gia đình mà bỏ qua cơ sở xử lý nước này.

Theo nhận định của BOA, một công ty tư vấn của Nhật Bản đã thiết kế và xây dựng cơ sở xử lý nước tại đây mà không xem xét các rủi ro tiềm ẩn từ các đường ống nước. Công ty này được giao việc bởi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) - tổ chức chuyên thực hiện các chương trình ODA Nhật Bản. Về phía JICA, BOA cho rằng JICA đã không thể hiện đúng trách nhiệm cần có trong việc giải quyết và khắc phục vấn đề, cũng như không tiến hành điều tra để tìm hiểu thực tế ngay cả khi nhận thấy rằng cơ sở xử lý nước hoạt động không hiệu quả sau khi hoàn thành.

Còn tại Indonesia, một công trình thoát nước được xây dựng tại Denpasar, vào năm 2008 theo chương trình viện trợ phát triển với khoản vay khoảng 11 tỷ Yên, đã bị đánh giá thấp về chất lượng xử lý nước kể từ năm 2017. Tại dự án này, bùn thải chất đống dưới đáy các hồ chứa và nước được xử lý kém hơn tiêu chuẩn đã đổ ra sông ra biển, gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, lâu nay, quốc gia này là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Indonesia. Được biết, vừa qua, JICA đã ký cam kết với Chính phủ Indonesia về việc sẽ cho nước này vay nguồn vốn 20 tỷ Yên (205 triệu USD) để dành cho nâng cấp cơ sở hạ tầng và xây dựng cầu cống, đường xá. Chính phủ Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ cấp 2,5 tỷ Yên (23 triệu USD) để giúp Indonesia phát triển các cơ sở ngư nghiệp ở những hòn đảo hẻo lánh của Indonesia. Theo đó, từ đầu năm 2020, Nhật Bản sẽ giúp Indonesia xây các cảng và cơ sở ngư nghiệp ở 6 đảo xa của Indonesia, trong đó có đảo Natuna ở rìa phía Nam Biển Đông. Sáu đảo này không có cơ sở trữ hải sản đông lạnh và sự giúp đỡ của Nhật Bản là nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng cũng như hoạt động kinh tế tại các đảo.

Phản hồi lại những phát hiện của Cơ quan Kiểm toán, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã cam kết cải thiện tình hình để đạt được những kết quả kỳ vọng mà các chương trình ODA đặt ra. Về phía JICA, JICA thừa nhận những phát hiện này và sẽ có những hành động tức thì để giải quyết các vấn đề bất cập được chỉ ra.

Trong báo cáo thường niên về ODA năm 2019, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, Chính phủ nước này sẽ phối hợp với các công ty tư nhân và tổ chức phi chính phủ nhằm đảm bảo việc sử dụng các nguồn vốn ODA hiệu quả hơn; đồng thời sẽ tăng cường công tác kiểm toán nhằm tăng tính giải trình, tính công khai và minh bạch của chủ đầu tư, ban quản lý dự án để xem xét việc sử dụng vốn ODA có tuân thủ những quy định về quản lý dự án hay không.

(Theo BOA và Japan Times)
(Báo Kiểm toán số 48/2019)