(sav.gov.vn) - Thống kê trong vòng mấy năm qua, tình trạng buôn lậu thuốc lá xuyên biên giới ngày càng phức tạp, nhất là với các loại thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá nung nóng (TLNN). Chính vì thế, công tác ngăn chặn thuốc lá lậu xuyên biên giới cần được phối kết hợp giữa các nước trong khu vực.
Hệ lụy khôn lường từ thuốc lá lậu
Theo thống kê, hiện nhiều quốc gia đang áp dụng lệnh cấm thuốc lá mới như Singapore, Thái Lan, Campuchia, hoặc cho phép thuốc lá điện tử (TLĐT) lưu hành dưới dạng kê đơn như Úc… đang loay hoay trong việc phòng chống buôn lậu.
Hiện Campuchia được coi là tâm điểm của thị trường thuốc lá lậu, với khoảng 18,5% sản phẩm tại đây là hàng lậu, gây thất thu thuế khoảng 10 triệu USD mỗi năm.
Thuốc lá lậu ngoài nguồn hàng sản xuất từ thị trường chợ đen như Jet, Hero, còn có hàng nhái, hàng giả thương hiệu được luồn lách ra thị trường. Cụ thể trong năm 2023, Đội 4 thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã tiến hành kiểm tra một container (số OOLU8155201) theo tờ khai vận chuyển số 500389166620, lập ngày 18/3/2023. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 1.173 thùng thuốc lá, tương đương 11.730.000 điếu các nhãn hiệu MARLBORO (đỏ), MARLBORO Gold, ESSE và SEVEN, nghi ngờ là hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh Campuchia, Trung Quốc cũng là nơi trung chuyển lượng lớn nguyên liệu thuốc lá lậu vào Việt Nam. Theo thống kê, trong năm 2023, các đơn vị thuộc bộ đội biên phòng Cao Bằng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 31 vụ, thu giữ hơn 68 tấn thuốc lá nguyên liệu và hơn 38.000 bao thuốc lá điếu, cùng nhiều tang vật khác có liên quan. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị thuộc bộ đội biên phòng Cao Bằng đã bắt giữ, xử lý 15 vụ/20 đối tượng, tang vật thu giữ trên 18 tấn nguyên liệu thuốc lá, trị giá khoảng 500 triệu đồng. Tại địa bàn do Đồn Biên phòng Ngọc Côn quản lý, đơn vị đã trực tiếp phát hiện, bắt giữ gần 10 vụ buôn lậu nguyên liệu thuốc lá; phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Pò Peo bắt giữ 1 vụ, thu giữ 770kg nguyên liệu thuốc lá. Ngoài ra, đơn vị đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn 156 vụ/1.319 lượt công dân Việt Nam thuộc các xóm: Khưa Hoi, Đông Si - Nà Rào - Tự Bản, Pác Ngà - Bó Hây, Bản Mìa, Kéo Giáo, xã Ngọc Côn và Ngườm Hoài, xã Ngọc Khê có ý định vượt biên trái phép sang Trung Quốc, chủ yếu để vận chuyến thuốc lá, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu các công dân quay lại địa phương.
Tình trạng nhập lậu nguyên liệu thuốc lá từ Trung Quốc vào Việt Nam qua khu vực biên giới của huyện Trùng Khánh có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây chính là do lợi nhuận từ buôn lậu và vận chuyển trái phép nguyên liệu thuốc lá mang lại là rất lớn. Theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng, giá nguyên liệu thuốc lá tại Trung Quốc rất thấp chỉ từ 15.000-20.000 đồng/kg, nếu đưa trót lọt qua biên giới thì giá đã tăng lên gấp đôi (khoảng 40.000 đồng/kg). Thậm chí, khi vận chuyển đến cơ sở sản xuất sâu trong nội địa thì giá tăng lên tới 80.000-90.000 đồng/kg.
Việc buôn lậu thuốc lá ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, nguồn thu ngân sách nhà nước và hệ lụy sâu sắc đến người dùng.
Cụ thể, một báo cáo năm 2015 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mang tên "Buôn lậu thuốc lá toàn cầu: Mối đe dọa an ninh quốc gia" chỉ rõ rằng việc buôn lậu thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có thể đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm không tuân thủ các quy định y tế của quốc gia sở tại, thậm chí chứa các thành phần không phù hợp cho con người.
Ngoài ra, một nghiên cứu chuyên sâu trên tạp chí Nicotine and Tobacco Research Journal cho thấy những người hiện tại hoặc đã từng sử dụng thuốc lá lậu có sức khỏe thể chất và tinh thần kém hơn đáng kể so với những người hút thuốc lá từ nguồn hợp pháp.
Các nghiên cứu từ Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe Môi trường (NCEH) thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã phát hiện ra rằng nồng độ thallium và chì cadmium, những chất gây gây ung thư, trong chính khói thuốc của thuốc lá giả "cao hơn nhiều so với các nhãn hiệu chính hãng, trong một số trường hợp cao hơn cả một bậc độ lớn.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ thuốc lá lậu không chỉ nằm ở nhóm người hút thuốc lá muốn tìm sản phẩm giá rẻ hơn, mà còn có cả giới trẻ.
Một nghiên cứu trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada (CMAJ) ước tính rằng "thuốc lá lậu chiếm khoảng 17,5% tổng số thuốc lá mà thanh thiếu niên hút hàng ngày ở Canada nói chung, và hơn 25% ở các tỉnh Ontario và Quebec."
Trong một nghiên cứu năm 2010 trên tạp chí Tobacco Control, Callaghan đã nâng mức ước tính thị phần thuốc lá lậu trong giới trẻ lên 43%.
Trong khu vực Asean, chuỗi cung ứng thuốc lá điếu lậu bắt đầu từ Indonesia sang Campuchia, sau đó được vận chuyển bất hợp pháp đến Việt Nam, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Ấn Độ. Theo thống kê, Indonesia đã xuất khẩu lượng thuốc lá “trắng” trái phép trong đó 44% được đưa vào Campuchia. Từ Campuchia thâm nhập vào Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới, với tỷ lệ lên đến 90%.
Đề xuất xử lý các khung hình phạt mức hình sự với buôn lậu thuốc lá
Tại hội thảo về phòng chống buôn lậu trong ASEAN vào tháng 2/2025, bà Liyana Othman – Giám đốc Vận động chiến dịch cấp cao, Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN – đã đề xuất các quốc gia cần tăng cường đàm phán và hợp tác xuyên biên giới. Bà cũng khuyến nghị về vấn đề thực thi đó là nâng cao tính răn đe khi xử lý tội phạm với các khung hình phạt mức hình sự được thống nhất giữa các quốc gia.
Bà Liyana Othman - Giám đốc vận động chiến dịch cấp cao, Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN
Theo đó, việc tham khảo hướng xử lý từ các quốc gia hình mẫu cũng là cách để giúp kiểm soát tình trạng buôn lậu, giảm tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá ở giới trẻ. Điển hình nhất là việc ngăn chặn dịch EVALI (tình trạng tổn thương phổi do sử dụng thuốc lá điện tử từ tinh dầu thị trường chợ đen) tại Mỹ.
Vào năm 2019, CDC Hoa Kỳ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), các sở y tế địa phương và tiểu bang, cùng nhiều tổ chức khác đã tiến hành điều tra một đợt bùng phát EVALI trên toàn quốc. Sự nghi ngờ ban đầu đổ dồn vào các sản phẩm vaping hợp pháp, nhưng các cuộc điều tra sâu hơn cho thấy phần lớn bệnh nhân EVALI được báo cáo là đã sử dụng các sản phẩm chứa chất THC bất hợp pháp. Một báo cáo chính sách của Ban Tăng cường Sức khỏe thuộc Quận Jackson lưu ý rằng "bằng chứng cho thấy thanh niên đã sử dụng các hệ thống bình chứa mở để vaping THC, mà CDC xác định là một trong những nguyên nhân chính gây ra đợt bùng phát tổn thương phổi." CDC đã khuyến cáo mọi người không nên tự ý sửa đổi hoặc thêm bất kỳ chất nào vào TLĐT hoặc các sản phẩm vaping khác mà nhà sản xuất không có ý định sử dụng.
Kết quả là, sau khi tăng mạnh vào tháng 8 năm 2019 và đạt đỉnh vào tháng 9, số lượt khám cấp cứu liên quan đến các sản phẩm vaping cuối cùng đã giảm xuống và không còn ghi nhận trường hợp tương tự xảy ra tại Mỹ cũng như trên toàn cầu.
Theo dự báo, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của thuốc lá mới đạt 12,5% từ 2025 đến 2034. Từ dữ liệu này có thể thấy xu hướng ngày càng gia tăng các sản phẩm trên toàn cầu, do vậy nếu không có các sản phẩm hợp pháp, người dùng sẽ tìm đến thị trường chợ đen như một lẽ tất yếu. Ứng phó với nguy cơ này, Tổng thống Mỹ Donald Trump, mới đây nhất đã yêu cầu FDA tinh giản quy trình PTMA (quy trình thẩm định cho các doanh nghiệp nộp đơn xin tiếp thị các sản phẩm thuốc lá và thuốc lá mới) để sớm có sản phẩm hợp pháp, qua kiểm định cung cấp cho người dùng. Vấn đề hệ lụy sản phẩm hoặc sai đối tượng sử dụng sẽ thuộc về trách nhiệm “hậu kiểm” của FDA và từ đó tiếp tục sàng lọc những doanh nghiệp không tuân thủ quy định.
Nguyễn Duyên