Tăng thuế thuốc lá - Biện pháp cấp thiết bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tăng nguồn thu ngân sách

(sav.gov.vn) - Đây là quan điểm chung được các chuyên gia đưa ra tại Chương trình tập huấn “Một số tác động của việc tăng thuế thuốc lá tới sức khỏe người dân và phản ứng của thị trường” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức ngày 23/4 tại Hà Nội.


Trong bối cảnh Quốc hội đang xem xét sửa đổi và thông qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có việc tăng thuế thuốc lá, chương trình tập huấn góp phần cung cấp thêm thông tin, góc nhìn cho đại biểu Quốc hội về các tác động của chính sách thuế thuốc lá đối với ngân sách nhà nước, sức khỏe cộng đồng, chi phí y tế và năng suất lao động, từ đó làm rõ vai trò của chính sách này trong phát triển bền vững.

Tổn thất kinh tế và hệ lụy của việc hút thuốc lá

Thông tin tại buổi tập huấn, Ths. Phan Thị Hải, Phó Chủ tịch Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL), Bộ Y tế cho biết, hiện nay, Việt Nam có hơn 15 triệu người đang hút thuốc lá, nằm trong số các quốc gia có lượng người hút thuốc cao nhất thế giới.

Thuốc lá là nguyên nhân liên quan gây tử vong cho hơn 103.300 người, bao gồm 84.500 người chết do hút thuốc chủ động và 18.800 người chết vì phơi nhiễm khói thuốc thụ động.

Không chỉ gây ra gánh nặng về sức khỏe, thuốc lá còn làm suy giảm chất lượng nguồn lao động. Cụ thể, hơn 45 triệu người có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm do hút thuốc trực tiếp hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Đáng chú ý, phần lớn những người tử vong này đang ở độ tuổi lao động, làm suy giảm chất lượng và quy mô nguồn nhân lực quốc gia.

Bên cạnh đó, thuốc lá còn là nguyên nhân gây tàn phá rừng và ô nhiễm môi trường. Hàng năm, khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính, mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá còn thải ra môi trường hàng nghìn tấn formaldehyde, nicotine và hàng trăm triệu kg chất thải độc hại từ các mẩu thuốc lá.

Tác động của thuốc lá không dừng ở vấn đề sức khỏe cộng đồng mà còn để lại hậu quả nặng nề về kinh tế. Bà Phan Thị Hải, cho hay, ước tính mỗi năm, Việt Nam mất hơn 108.000 tỷ đồng (tương đương 1,14% GDP) để chi trả cho các hậu quả liên quan đến thuốc lá. Trong đó bao gồm hơn 16.000 tỷ đồng chi phí y tế trực tiếp, gần 6.000 tỷ đồng do giảm năng suất lao động, và khoảng 86.000 tỷ đồng thiệt hại từ tử vong sớm.

Chính sách thuế chưa đủ mạnh để giảm nhu cầu tiêu thụ

Chia sẻ tại Chương trình, Ths. Phan Thị Hải cho biết từ năm 2006 đến 2019, Việt Nam mới chỉ thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá, nhưng mức tăng thuế mỗi lần khá thấp, chỉ là 5% và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài. Cụ thể, năm 2006 tăng mức thuế từ 55% lên 65%, năm 2016 (sau 8 năm) tăng từ 65% lên 70%. Năm 2019 (sau 3 năm) tăng từ 70% lên 75%.

“Theo tính toán, mỗi bao thuốc giá bán lẻ 10.000 VND thì giá xuất xưởng chỉ khoảng 3.900 VND. Việc tăng thuế từ 70% lên 75% giá xuất xưởng sẽ làm giá tăng 220 VND. Người bán lẻ có thể cùng tăng giá và sẽ làm giá tăng lên khoảng 300 VND, tương đương 3%. Tuy nhiên lạm phát trung bình là 4% và thu nhập tăng trung bình là 5%. Vì vậy việc tăng thuế có tác động, nhưng mức ảnh hưởng là rất ít tới nhu cầu tiêu thụ thuốc lá trong các giai đoạn này”, ThS. Phan Thị Hải phân tích.

Các chuyên gia cũng cho rằng, các lần tăng thuế này là quá ít và chỉ có tác động giảm nhu cầu tiêu thụ vào năm tăng thuế, sau đó lại tăng trở lại. Cụ thể, số liệu đưa ra tại Chương trình cho thấy, trong lần tăng thuế năm 2006, mức tăng 10% (từ 55% lên 65%) chỉ làm giảm tiêu dùng trong năm tăng thuế và sau đó tiêu dùng tăng ngay trở lại (sản lượng tiêu thụ nội địa giảm từ 4.032 triệu bao năm 2005 xuống 3.451 triệu bao năm 2006 nhưng tăng trở lại 3.897 triệu bao năm 2007).

Trong lần tăng thuế năm 2016, thuế thuốc lá mới được tăng tiếp và với biên độ nhỏ hơn là 5%.  Đến 2019 cũng tăng với tương tự là 5%. Tổng tiêu dùng thuốc lá giảm năm 2017, 2018, 2019 nhưng lại tăng trở lại vào các năm sau đó. Từ năm 2019 đến nay, theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế TTĐB theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng.

Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm TTĐB và thuế giá trị gia tăng) chỉ chiếm 36%, thấp hơn nhiều so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình là 59%, chỉ bằng 1/2 của hầu hết các nước ASEAN (Thái Lan 78,6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62,3%.

“Mức thuế trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới: 75% trên giá bán lẻ. Trong khi đó, giá một bao thuốc nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam chỉ vào khoảng 0.9 USD/bao. Với mức giá này, theo Tổ chức sức khoẻ thế giới (WHO), giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15, gần thấp nhất, trong số 19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

Cần cải cách để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam

Ths. Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho biết, nếu tăng giá thuốc lá 10% giúp giảm tiêu dùng 5% ở các nước đang phát triển. Thanh thiếu niên và người nghèo phản ứng mạnh nhất với thay đổi giá, với mức giảm tiêu dùng đến 10%, đồng thời ngăn trẻ em và thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu thụ, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tăng nguồn thu ngân sách.

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, thuế thuốc lá nên chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ để đạt hiệu quả tối ưu trong việc giảm tiêu thụ. Hệ thống thuế cần được thiết kế để tăng giá thuốc lá theo thời gian, tính đến yếu tố lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Trong đó, thuế tuyệt đối hoặc hệ thống thuế hỗn hợp được coi là lựa chọn ưu việt hơn so với thuế theo tỷ lệ giá. Thuế tuyệt đối, với một mức cố định áp dụng cho mỗi đơn vị thuốc lá, giúp kiểm soát giá bán lẻ tốt hơn và giảm tiêu thụ hiệu quả hơn. Ngoài ra, cấu trúc thuế đơn giản, không phân biệt theo đặc tính sản phẩm, ngăn ngừa tình trạng người tiêu dùng chuyển sang các nhãn hiệu giá rẻ hơn khi thuế tăng.

Việt Nam hiện đang áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ, dựa trên giá bán của nhà sản xuất, nhưng hệ thống này tồn tại nhiều hạn chế. Cơ sở thuế thấp dẫn đến mức thuế không đủ cao để tác động đáng kể lên giá bán lẻ. Lộ trình tăng thuế chậm cũng khiến cho giá thuốc lá đang ngày càng rẻ so với thu nhập, dẫn đến sức mua thuốc lá tăng.

Để cải thiện hiệu quả chính sách thuế, Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị, Việt Nam áp dụng một hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp với thuốc lá, bằng cách bổ sung thuế tuyệt đối bên cạnh mức thuế theo tỷ lệ hiện có. Để đạt được điều này, thuế tuyệt đối cần được áp ở mức cao tối ưu nhất có thể ít nhất là 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần để đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030.

Phương án này sẽ giúp tăng tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá lên mức 65.3% vào 2030 - gần đạt mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới; giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam và nữ giới trưởng thành lần lượt xuống dưới 36% và 1% - đạt mục tiêu Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tác hại thuốc lá đặt ra vào năm 2030; đồng thời tăng đáng kể nguồn thu thuế thuốc lá hằng năm cho ngân sách Nhà nước.
 
Nhìn nhận từ góc độ kinh tế, chuyên gia Đào Thế Sơn cho rằng, thuế TTĐB đối với thuốc lá cần được coi là một chính sách tài khoá hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo ông, việc sử dụng thuốc lá làm mất đi tổng cộng 21,8 triệu giờ lao động của người Việt Nam mỗi năm, do thời gian người bệnh nghỉ việc đi khám chữa bệnh và thời gian người nhà nghỉ việc để chăm sóc. Vì vậy, ông Sơn lập luận việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể giúp giảm thời gian lao động bị mất đi đồng thời nâng cao nguồn cung và chất lượng/năng suất lao động.

Mặt khác, ông Sơn nêu ra một khía cạnh thực tiễn, đó là tiêu dùng thuốc lá lấn át chi tiêu cho giáo dục, nhất là ở các hộ nghèo. Do đó, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể sẽ giúp hộ gia đình điều chuyển thu nhập sang các hoạt động khác có lợi hơn cho thu nhập trong tương lai, tăng tiết kiệm và góp phần phát triển kinh tế tư nhân.

Không chỉ có vậy, ông Sơn nhấn mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá còn giúp cân bằng ngân sách, phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển và phát triển bền vững (SDGs). Chậm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá khiến ngân sách mất đi nguồn thu khoảng 8-9 nghìn tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2020-2021. Do đó, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nên được coi là một chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hơn là ngược lại. Vì vậy, Việt Nam cần mạnh dạn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để có thể nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng trưởng bền vững.

Hà Linh