(sav.gov.vn) - Kiểm toán nhà nước khu vực IX vừa hoàn thành cuộc kiểm toán kiểm toán ngân sách địa phương và báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2024 của tỉnh Trà Vinh. Báo cáo kiểm toán cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, sử dụng tài chính, tài sản công năm 2024 của địa phương còn một số hạn chế.
Theo báo cáo kiểm toán, năm 2024, UBND tỉnh Trà Vinh đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2024 theo quy định của Luật NSNN, hướng dẫn của Bộ Tài chính, các nghị quyết của Chính phủ, các nghị quyết của HĐND tỉnh.
Tỉnh đã chú trọng khai thác các nguồn thu; điều hành chi ngân sách theo chính sách, chế độ, định mức chi tiêu hiện hành. Tổng số thu nội địa 6.530,312 tỷ đồng, đạt 104,99% dự toán trung ương (TW) và dự toán HĐND tỉnh giao, trong đó: 13/18 khoản thu nội địa đạt và vượt dự toán TW và dự toán HĐND giao, các khoản thu này chiếm tỷ trọng 91,99% tổng số thu nội địa; 05/18 khoản thu không đạt dự toán (các khoản thu này chiếm tỷ trọng 8,01% tổng số thu nội địa). Tổng chi cân đối NSĐP 17.123,409 tỷ đồng (không kể số chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới, chi nộp ngân sách cấp trên), tăng 45,79% dự toán TW giao, tăng 42,45% dự toán HĐND giao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, sử dụng tài chính, tài sản công năm 2024 của địa phương còn một số hạn chế.
Quản lý thu ngân sách nhà nước
Kết quả kiểm toán chỉ rõ, hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng dự án Nhà máy nước Nguyệt Hóa của Công ty TNHH MTV Cấp nước Senco Trà Vinh chưa đầy đủ thủ tục pháp lý (thiếu văn bản xác nhận về điều kiện kinh doanh nước sạch) nhưng vẫn được Chi cục
Thuế khu vực XVIII hoàn thuế 5,814 tỷ đồng không đúng quy định. Một số doanh nghiệp kê khai không đúng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được miễn giảm, KTNN xác định số thuế TNDN phải nộp tăng thêm 688 triệu đồng; số lỗ phải điều chỉnh giảm 922 triệu đồng.
Công tác quản lý các khoản thu liên quan đến đất: Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại MêKong được UBND tỉnh Trà Vinh cho thuê thửa đất số 372 để thực hiện Dự án Trung tâm dịch vụ giải trí - Mua sắm Mê Kong Center (viết tắt: dự án MêKong Center): Đến nay, Dự án chậm tiến độ thực hiện, sau 04 lần điều chỉnh chủ trương đầu tư, thời gian hoàn thành dự án được gia hạn đến tháng 8/2023. Đến tháng 7/2024, UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi thửa đất số 372, bồi thường cho chủ đầu tư bằng thửa đất số 539, thời gian hoàn thành dự án tại thửa đất số 539 được điều chỉnh đến tháng 01/2028. Qua kiểm toán, việc cho thuê, thu hồi đất, bồi thường về đất, miễn, giảm tiền thuê đất để thực hiện dự án MêKong Center có những vấn đề cần tiếp tục làm rõ, cụ thể: (i) UBND tỉnh cho thuê đất thực hiện dự án MêKong Center không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất không đúng quy định; (ii) Chủ đầu tư chưa thực hiện đúng quy định về gia hạn thời gian sử dụng đất, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư nhưng UBND tỉnh vẫn quyết định bồi thường về đất khi thu hồi đất; (iii) Đơn giá cho thuê đất và đơn giá đất khi thu hồi thửa đất số 372 thấp hơn đơn giá thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm năm 2018 (Chứng thư định giá đất số 24/CT-ĐGĐ ngày 31/5/2024 và Chứng thư số 25/CT-ĐGĐ ngày 31/5/2024 không phù hợp quy định pháp luật về giá và pháp luật về đất đai); (iv) Nguy cơ lãng phí về đất đai: Sau khi thu hồi thửa đất số 372 và bồi thường bằng thửa đất số 539 cho chủ đầu tư, UBND tỉnh tiếp tục ban hành quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư để gia hạn thời gian hoàn thành đến tháng 01/2028 (chậm 104 tháng so với thời gian hoàn thành dự án (tháng 05/2019)); (v) Miễn, giảm tiền thuê đất đối với dự án đầu tư chưa đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và khoản 1, khoản 2 Điều 12 Thông tư số 77/2014/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản
Kết quả kiểm toán cho thấy công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng có nguy cơ lãng phí trong đầu tư, cụ thể:
(1) Công trình Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung khu dân cư thị trấn Định An được UBND huyện Trà Cú phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành với chi phí đầu tư 6,706 tỷ đồng nhưng không có hồ sơ quy hoạch xây dựng được duyệt. Tại thời điểm kiểm toán, công trình không hoạt động do không được đầu tư hệ thống thu gom nước thải để đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải. Việc đầu tư xây dựng công trình không đảm bảo đồng bộ, hệ thống xử lý nước thải không được đưa vào vận hành có nguy cơ gây lãng phí vốn đầu tư;
(2) Dự án Đường tỉnh 915B, giai đoạn 2, tỉnh Trà Vinh được đầu tư nâng cấp mở rộng theo tuyến đê và các cống ngăn mặn cũ với tải trọng qua cống cho phép là 13 tấn. Tuy nhiên, thiết kế tải trọng cầu trên tuyến đường là HL93, đường giao thông cấp IV không hạn chế tải trọng xe; quá trình lập dự án, thiết kế và thi công, nghiệm thu đưa vào sử dụng, Chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan chưa xác định lại tải trọng cho phép thực tế của các cống ngăn mặn cũ mà vẫn đặt biển cảnh báo tải trọng qua cổng cho phép là 13 tấn.
Các chủ đầu tư lập, thẩm định và phê duyệt còn một số sai sót về khối lượng, qua kiểm toán đã phát hiện, giảm trừ chi phí đầu tư, số tiền 10,976 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại dự án Kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên khu vực cù lao ấp Long Trị, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh (Giai đoạn 2): Trong quá trình thi công xây dựng xảy ra sự cố sạt lở đoạn kè từ K0+374 đến K0+425 nhưng Chủ đầu tư chưa yêu cầu đơn vị tư vấn bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại hợp đồng bảo hiểm số CCX/02013835 ngày 05/3/2021, làm tăng chi phí đầu tư 11,014 tỷ đồng. UBND tỉnh, chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan giải quyết sự cố công trình xây dựng là chưa đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định tại Điều 44, Điều 45, Điều 46 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP (chưa xác định đầy đủ các nguyên nhân chủ quan, khách quan của sự cố sạt lở công trình; chưa phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý trách nhiệm của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật;...). Đơn vị tư vấn lập dự án chưa khảo sát địa chất; chưa đánh giá ảnh hưởng của dòng chảy đến chân kè, lưu lượng dòng chảy, vận tốc dòng chảy, động lực bùn cát (xói lở, bồi lắng)...; hồ sơ khảo sát chưa thể hiện vị trí hố khoan địa chất trên bình đồ tổng thể; đơn vị tư vấn thiết kế chưa thuyết minh nêu rõ tổ hợp tải trọng cơ bản và tổ hợp tải trọng đặc biệt bất lợi nhất có thể xảy ra trong thời kỳ thi công và khai thác công trình theo quy định tại mục 6.2, QCVN 04- 05:2012/BNNPTNT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Công trình thủy lợi - các quy định chủ yếu về thiết kế. Đơn vị thiết kế chưa yêu cầu bổ sung hoặc làm rõ nội dung khảo sát còn thiếu và chưa khảo sát bổ sung để hoàn thiện hồ sơ thiết kế theo khoản 5 Điều 12 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 và mục b khoản 2 Điều 77 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014.
Quản lý chi thường xuyên
Theo kết quả kiểm toán, nguồn cải cách tiền lương (CCTL) phải trích lập trong năm tăng 19,978 tỷ đồng, do: (i) Sở Tài chính xác định số 10% tiết kiệm chi thường xuyên trích lập nguồn CCTL chưa đầy đủ số tiền 7,367 tỷ đồng; (ii) Xác định chưa đúng số 50% phần NSNN giảm chỉ hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập số tiền 7,233 tỷ đồng; (iii) Chưa tổng hợp đầy đủ nguồn CCTL tại một số đơn vị số tiền 5,378 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc xác định không đúng 40% số thu được để lại sau khi trừ đi các chi phí liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí để bổ sung nguồn thực hiện CCTL dẫn đến cấp thừa kinh phí CCTL 9,419 tỷ đồng; xác định kinh phí thực hiện CCTL tính trên 40% số thu không đúng quy định theo phương án tự chủ tài chính dẫn đến NSNN cấp kinh phí hoạt động cho các đơn vị thừa 46,681 tỷ đồng.
Nguồn thực hiện CCTL đến 31/12/2024 còn phải tiếp tục theo dõi, bố trí nguồn để chuyển sang năm 2025 sử dụng theo quy định, số tiền 52,633 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sở Tài chính chưa kịp thời báo cáo UBND tỉnh tình hình hụt thu ngân sách, phân tích nguyên nhân để có giải pháp tăng cường công tác quản lý thu ngân sách, rà soát các khoản thu để huy động kịp thời vào ngân sách, rà soát các nhiệm vụ chi (các quỹ tài chính ngoài NSNN để thu hồi nộp ngân sách số tiền sử dụng đã nộp vào Quỹ phát triển đất vượt mức vốn điều lệ 192,828 tỷ đồng; dừng hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động do hoạt động không hiệu quả, xử lý nộp ngân sách số tồn quỹ đang gửi ngân hàng 115,895 tỷ đồng;....) để tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh giảm một số khoản chi theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 52 Luật NSNN số 83/2015/QH13; sử dụng 87,819 tỷ đồng nguồn thu xổ số kiến thiết trong kết dư ngân sách năm 2023; 181,748 tỷ đồng nguồn CCTL cấp tỉnh năm 2024 để bù đắp một phần số hụt thu ngân sách, không báo cáo để UBND tỉnh xem xét, quyết định và chưa hoàn trả nguồn thu xổ số kiến thiết và nguồn CCTL trong năm ngân sách theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP.
Quản lý kinh phí bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên
Kết quả kiểm toán cho thấy, các đơn vị, ngân sách các cấp chưa kịp thời nộp trả ngân sách cấp trên nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu tại các nhiệm vụ, dự án, chương trình đã hết nhiệm vụ chi theo quy định, số tiền 44,954 tỷ đồng.
Quản lý tài sản công
Đối với công tác quản lý tài sản công, UBND tỉnh Trà Vinh chưa hoàn thành việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Tổng số cơ sở nhà, đất không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả hoặc sử dụng không đúng mục đích là 43 cơ sở nhà, đất với diện tích đất là 45.508,87 m2, diện tích nhà là 13.557,95 m2. Ngoài ra, UBND thành phố Trà Vinh, huyện Cầu Kè, huyện Càng Long chưa hoàn thành vệc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước cho các đơn vị trên địa bàn; Thành phố Trà Vinh có 77 đơn vị, huyện Châu Thành có 44 đơn vị, huyện Trà Cú có 223 cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều 95 Luật Đất đai số 45/2013/QH13. Còn một số tài sản công không sử dụng có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, chưa phát huy được hết công năng sử dụng.
Trong công tác quản lý, sử dụng đất: (i) Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Trà Vinh hiện quản lý hai cơ sở nhà, đất không còn phù hợp với nhu cầu sử dụng, nhưng chưa được UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ; (ii) Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh đang quản lý khoảng 943.595,37m2 đất công đã được bồi hoàn, không có nhu cầu sử dụng và đã kiến nghị giao về các địa phương để quản lý sử dụng, nhưng chưa được các cơ quan quản lý xem xét, trình UBND tỉnh quyết định.
Việc ban hành các văn bản quản lý tài chính công, tài sản công
Theo kết quả kiểm toán, UBND tỉnh chưa ban hành giá bán buôn nước sạch trên địa bàn theo quy định tại “Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá” ban hành kèm theo Luật Giá số 16/2023/QH15, điểm b khoản 2 Điều 11 Thông tư số 44/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính; phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 85/2019/TT-BTC ngày 29/11/2019 của Bộ Tài chính; chưa quy định hoặc phân cấp thẩm quyền quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế-kỹ thuật bảo dưỡng, sửa chữa áp dụng đối với tài sản công tại các cơ quan thuộc phạm vi quản lý theo điểm b khoản 3 Điều 3 Thông tư số 65/2021/TT-BTC.
HĐND tỉnh chưa phân cấp thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ, kinh phí thực hiện cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng của cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định số 138/2024/NĐ-CP ngày 24/10/2024 của Chính phủ.
HĐND huyện Càng Long, thị xã Duyên Hải chưa hủy bỏ Nghị quyết về việc giao cho UBND huyện quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm nhóm B, C do căn cứ theo Luật Đầu tư công năm 2019 đã hết hiệu lực từ 01/01/2025 và không còn phù hợp với quy định tại điểm a khoản 8 Điều 18 Luật Đầu tư công năm 2024.
Chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí BVMT và ứng phó BĐKH giai đoạn 2021-2024
Kết quả kiểm toán cho thấy, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu nhưng đơn vị thực hiện theo hình thức đặt hàng là chưa đúng quy định tại khoản 1 Điều 77, khoản 2 Điều 78 Luật Bảo vệ Môi trường số 72/2020/QH14.
Các đơn vị chưa lập biên bản khảo sát để xác định sơ đồ các tuyến đường thu gom, cự ly vận chuyển rác thải sinh hoạt làm cơ sở cho việc xác định đơn giá thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; công tác nghiệm thu, thanh toán chủ yếu dựa trên khối lượng rác thải sinh hoạt thu gom, vận chuyển và xử lý khi lập dự toán, không căn cứ vào khối lượng cân thực tế tại các trạm cân của nhà máy xử lý rác,... không đúng quy định tại Điều 24, Điều 25 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ.
UBND cấp xã chưa chủ trì, phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt để xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo điểm b khoản 7 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14.
Tại thành phố Trà Vinh: (i) Đơn giá xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ đốt (lò đốt SH7) là 370.000 đồng/tấn, được xác định dựa trên quy mô dự án theo chủ trương đầu tư ban đầu và theo các tiêu chí lựa chọn tại Quyết định số 1074/QĐ-UBND ngày 18/5/2016. Tuy nhiên, dự án đã thay đổi quy mô, thay đổi thiết kế nhiều lần nhưng thành phố Trà Vinh vẫn ký hợp đồng và thanh toán chi phí đốt rác theo đơn giá 370.000 đồng/tấn là không phù hợp, tổng số kinh phí đã thanh toán không đủ điều kiện quyết toán từ năm 2022-2024 là 23,245 tỷ đồng; (ii) Khối lượng rác được thu gom vận chuyển vào bãi rác thông qua các phiếu cân là 114.943,210 tấn; khối lượng xử lý rác thông qua các biên bản nghiệm thu là 60.012,13 tấn; khối lượng rác được xử lý theo công suất đốt rác hiện tại của nhà máy (48 tấn/ngày đêm) là 52.608 tấn, thấp hơn khối lượng rác xử lý được nghiệm thu và khối lượng rác tiếp nhận vào bãi rác; (iii) Trong giai đoạn 2021-2024, khối lượng rác được đốt thấp hơn nhiều so với khối lượng rác tiếp nhận tại bãi rác nên lượng rác tồn đọng là rất lớn qua các năm.
Chưa kiểm tra, giám sát quá trình thu giá của đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, làm cơ sở để xác định số tiền ngân sách phải cấp bù đối với phần chênh lệch còn thiếu của chi phí thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt phát sinh hàng năm. Số hộ lập dự toán thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt thấp hơn số hộ kinh doanh và doanh nghiệp do cơ quan thuế đang quản lý thu thuế. Căn cứ mức thu do UBND tỉnh quy định, chỉ tính riêng số lượng hộ kinh doanh và doanh nghiệp do cơ quan thuế quản lý thu thuế tại cùng thời điểm, số tiền thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt cao hơn dự toán 8,862 tỷ đồng.
Địa phương chưa ban hành các văn bản có liên quan lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 như: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt; giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế; quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải của địa phương, lộ trình bố trí quỹ đất, đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trong trường hợp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải...
Kết quả định giá và xử lý các vấn đề tài chính đối với Ban Quản lý Bến xe khách Trà Vinh để chuyển thành công ty cổ phần
Hồ sơ thanh toán công trình cải tạo, xây dựng Bến xe khách tại mặt bằng Nhà máy Satakê Tầm Phương chưa được ghi tăng TSCĐ và chưa tính hao mòn theo quy định. Khi xác định giá trị doanh nghiệp đã xác định phần tài sản chưa được ghi nhận đầy đủ; theo dõi chưa đầy đủ tạm ứng NSNN để thực hiện chuyển đổi Ban Quản lý Bến xe khách Trà Vinh thành công ty cổ phần số tiền 699 triệu đồng. Việc xử lý các vấn đề tài chính, việc xác định giá trị Ban Quản lý Bến xe khách Trà Vinh để chuyển đổi thành công ty cổ phần: Đến thời điểm phát hành Báo cáo kiểm toán (tháng 6/2025), đã quá 15 tháng kể từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm phải công bố giá trị đơn vị chuyển đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 150/2020/NĐ-CP; Ban Quản lý Bến xe khách Trà Vinh điều chỉnh giảm đối với khoản nợ phải trả 179.040.000 đồng không đúng quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 150/2020/NĐ-CP; giá trị tài sản là thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi chưa được đề cập khi xác định giá trị theo hướng dẫn tại khoản 8 Điều 9 Thông tư số 111/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý 803,457 tỷ đồng
Qua kiểm toán, KTNN khu vực IX kiến nghị xử lý 803,457 tỷ đồng, gồm:
Kiến nghị xử lý tài chính 346,066 tỷ đồng: (1) Tăng thu ngân sách 202,441 tỷ đồng; (2) Kiến nghị thu hồi, giảm chi ngân sách: 120,542 tỷ đồng; (3) Kiến nghị giảm lỗ: 23,084 tỷ đồng;
Kiến nghị khác 457,391 tỷ đồng: (1) Tăng số liệu nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2024 so với số liệu đã được Bộ Tài chính thẩm định 19,978 tỷ đồng; (2) Bố trí hoàn trả nguồn thu xổ số kiến thiết và nguồn cải cách tiền lương 323,271 tỷ đồng; (3) Tăng chuyển nguồn cải cách tiền lương 2,123 tỷ đồng; (4) Bổ sung các tài liệu, biên bản kiểm tra, nghiệm thu để quyết toán 422 triệu đồng; (5) Thu hồi vốn tạm ứng quá hạn theo quy định 8,112 tỷ đồng; (6) Giảm dự toán chi phí thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án 484 triệu đồng; (7) Giảm giá trị hợp đồng còn lại 78,093 tỷ đồng; (8) Kiến nghị chủ đầu tư yêu cầu các bên liên quan kiểm tra, thực hiện đúng quy định hồ sơ, bản vẽ hoàn công làm cơ sở nghiệm thu, thanh quyết toán 279 triệu đồng; (9) Bổ sung hồ sơ do chưa đủ điều kiện thanh toán;... (hồ sơ chưa đầy đủ, chi tiết các thông số kỹ thuật của hạng mục san lấp mặt bằng vào bản vẽ thiết kế thi công và bản vẽ hoàn công) 24,629 tỷ đồng.
Hà Linh