Hoàn thiện công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán trong lĩnh vực kiểm toán an ninh
(sav.gov.vn) - Chiều 13/5, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Hoàn thiện công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán trong lĩnh vực kiểm toán an ninh” do ThS. Thân Thị Hồng Ngọc (KTNN chuyên ngành Ib) làm chủ nhiệm.
ThS. Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán làm Chủ nhiệm Hội đồng nghiệm thu; cùng tham dự cuộc họp có các thành viên Hội đồng nghiệm thu và Chủ nhiệm đề tài.
Theo ThS. Thân Thị Hồng Ngọc, kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) là một quy định bắt buộc đi đôi với hoạt động kiểm toán và là trách nhiệm được quy định rõ trong chuẩn mực kiểm toán. Thời gian qua, nhận thức của các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán về KSCLKT ngày càng được nâng cao. Hoạt động KSCLKT của các đơn vị đã dần đi vào nền nếp, công tác thẩm định kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán đã có nhiều tiến bộ, đổi mới, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
An ninh là một trong những lĩnh vực kiểm toán có tính đặc thù cao, nhiều thông tin có tính chất mật, tối mật hoặc tuyệt mật, ảnh hưởng khổng nhỏ đến hoạt động kiểm toán. Do vậy, KSCLKT đối với lĩnh vực này cũng chịu sự chi phối của các tính chất đặc thù, vừa phải tuân thủ các quy định về bảo mật nhưng vẫn phải đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả, hiệu lực.
ThS. Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Chủ nhiệm Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao nỗ lực nghiêm cứu của Ban đề tài. Ảnh: Nguyễn Ly
Từ thực trạng hoạt động KSCLKT của KTNN chuyên ngành Ib, Ban đề tài đưa ra định hướng và giải pháp để hoàn thiện công tác KSCLKT đối với lĩnh vực an ninh. Cụ thể, nghiên cứu ban hành cẩm nang Hướng dẫn KSCLKT trong lĩnh vực có chứa thông tin, tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước, trong đó tập trung vào phương thức tổ chức hoạt động kiểm soát và cách thức thực hiện hoạt động kiểm soát tuân thủ theo quy trình quản lý hồ sơ tài liệu có chứa thông tin, tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và quy định của KTNN; ban hành tiêu chí, thang điểm đánh giá và tiêu chuẩn xếp loại Tổ KSCLKT, thành viên Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng của hoạt động này.
Đổi mới phương pháp KSCLKT theo định hướng trọng yếu kiểm soát và rủi ro kiểm soát, từ đó hạn chế tối đa rủi ro, nâng cao chất lượng hiệu quả hiệu lực của hoạt động kiểm toán. Ngoài phương pháp giám sát được áp dụng với hầu hết các cuộc kiểm toán trong thời gian qua, tăng cường sử dụng các phương pháp soát xét, thẩm định tài liệu, kiểm toán lại, mời chuyên gia để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm soát, giảm thiểu việc bỏ sót kết quả kiểm toán và khiếu nại về kết quả kiểm toán.
ThS. Thân Thị Hồng Ngọc (KTNN chuyên ngành Ib) trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: Nguyễn Ly
Bên cạnh đó, đổi mới cách thức tiếp cận tài liệu để bộ phận kiểm soát có thể tiếp cận tài liệu, bằng chứng gốc của đơn vị được kiểm toán trong những trường hợp cần thiết, từ đó phát hiện và ngăn chặn tình trạng bỏ sót kết quả kiểm toán của kiểm toán viên. KTNN chuyên ngành Ib cần tăng cường công tác tự đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ KSCLKT cho kiểm toán viên; tích cực cử kiểm toán viên tham gia các tọa đàm, hội thảo để tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm KSCLKT trong các lĩnh vực khác.
Đánh giá cao nỗ lực nghiên cứu và những sáng kiến đưa ra trong phần giải pháp, Hội đồng nghiệm thu cho rằng, đề tài có tính thực tiễn và ứng dụng cao, thể hiện rõ những đặc điểm, đặc thù của kiểm toán lĩnh vực an ninh như tính mật, sự hạn chế ứng dụng công nghệ trong hoạt động kiểm toán, sự phân tán của đơn vị kiểm toán và đặc thù địa phương ảnh hưởng đến hoạt động kiểm toán và KSCLKT.
Hội đồng nghiệm thu khuyến nghị Ban đề tài nghiên cứu, rà soát các nội dung liên quan đến tổ chức hoạt động của Bộ Công an sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Ảnh: Nguyễn Ly
Để hoàn thiện đề tài, các thành viên Hội đồng nghiệm thu khuyến nghị Ban đề tài nghiên cứu, rà soát các nội dung liên quan đến tổ chức hoạt động của Bộ Công an sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy; bổ sung giải pháp xây dựng bộ phận chuyên trách thực hiện hoạt động KSCLKT tại đơn vị; biên tập các nội dung trong phần kiến thức chung về KSCLKT để bảo tính khoa học và cân đối giữa các chương…
Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài xếp loại Xuất sắc.