Nghiệm thu đề tài: "Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ các Tập đoàn kinh tế nhà nước trong quá trình kiểm toán do KTNN thực hiện"

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 02/01, tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước (KTNN) – 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, Hội đồng khoa học KTNN do Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên làm Chủ tịch đã tổ chức nghiệm thu đề tài: "Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB) các Tập đoàn kinh tế nhà nước trong quá trình kiểm toán do KTNN thực hiện" do GS.TS Ngô Thế Chi và TS. Phạm Tiến Hưng - Học viện Tài chính, đồng chủ nhiệm.


Theo Ban chủ nhiệm đề tài, bản chất của kiểm toán là xác nhận mức độ phù hợp, tin cậy của đối tượng kiểm toán. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay ở phạm vi Tập đoàn kinh tế, việc kiểm tra trực tiếp đối tượng để phát hiện ra sai phạm là vô cùng khó khăn và rất nhiều rủi ro do khối lượng công việc lớn, trong khi đó mức độ sai phạm và sự che dấu sai phạm rất tinh vi. Vì vậy, việc dự đoán khả năng sai phạm để khoanh vùng kiểm toán, xác định trọng điểm kiểm toán là rất cần thiết.
 
Việc nghiên cứu và đánh giá đầy đủ về KSNB sẽ là cơ sở để kiểm toán viên nhận định khả năng những hạn chế, sai phạm còn tồn tại nhằm xác định khối lượng kiểm toán phù hợp, xác định những vấn đề trọng yếu cần phải tập trung, đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm toán. Với việc hoàn thiện đề tài này, Ban chủ nhiệm đề tài mong muốn đưa ra được các giải pháp hoàn thiện và quan trọng để xây dựng một trình tự gồm nhiều bước công việc nhằm nghiên cứu và đánh giá hệ thống KSNB các Tập đoàn kinh tế theo các giai đoạn trong quy trình của KTNN.
 
Các thành viên Hội đồng nghiệm thu cho rằng, đề tài có cấu trúc 3 chương là hợp lý; cách trình bày logic, khoa học; tài liệu tham khảo phong phú, đa dạng, nhiều tài liệu của những nhà khoa học trong nước và thế giới; trích dẫn tài liệu phù hợp với nội dung nghiên cứu. Đây là đề tài rất cần thiết và có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn trong hoạt động của KTNN, đặc biệt là trong việc kiểm toán các Tập đoàn kinh tế nhà nước giai đoạn hiện nay. Khối lượng, nội dung các vấn đề được đề cập của đề tài rất rộng, thể hiện qua 242 trang, kèm theo nhiều bảng biểu, phụ lục. Từ đó, đề tài đã giải quyết thành công được vấn đề đặt ra, đã nghiên cứu khái quát được những vấn đề lý luận có liên quan đến hệ thống KSNB, Tập đoàn kinh tế nhà nước. Đề tài cũng đã trình bày đầy đủ và trung thực về thực trạng, hạn chế của KTNN trong công tác nghiên cứu và đánh giá hệ thống KSNB đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước để từ đó đề xuất những giải pháp hoàn thiện công tác nghiên cứu và đánh giá hệ thống KSNB của các Tập đoàn kinh tế nhà nước trong quá trình kiểm toán do KTNN thực hiện.
 
Tuy nhiên, Hội đồng khoa học cũng cho rằng, đề tài còn những hạn chế nhất định như còn mang tính lý luận. Các hướng dẫn cụ thể, các ví dụ, các thiết kế bảng biểu mang tính “cầm tay chỉ việc” chưa nhiều. Do đó việc ứng dụng ngay vào thực tiễn kiểm toán của KTNN cũng cần có thời gian. Hơn nữa, có những ứng dụng chỉ phù hợp với kiểm toán độc lập, chưa thể áp dụng ngay với KTNN do tính đặc thù riêng của KTNN.
 
Tổng hợp ý kiến các thành viên Hội đồng, GS.TS Đoàn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, cho rằng dù còn những hạn chế nhưng đây là đề tài được thực hiện công phu, có tính ứng dựng cao; có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn, đặc biệt là trong điều kiện hoạt động của KTNN khi đánh giá hệ thống KSNB trong các doanh nghiệp nói chung và các Tập đoàn kinh tế nói riêng còn có những hạn chế như hiện nay. Ban chủ nhiệm đề tài cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề tài theo ý kiến góp ý của Hội đồng, nộp lại Hội đồng khoa học KTNN đúng thời gian quy định.
 
Đề tài xếp loại: xuất sắc./.

Thanh Tùng