(kiemtoannn.gov.vn) - PGS.TS Đặng Văn Thanh - nguyên là Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước; Nguyên Phó chủ nhiệm UBKT&NS của QH khóa 11; Chuyên gia cao cấp của Quốc hội; Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đã dành cho Website Kiểm toán Nhà nước cuộc phỏng vấn về vị trí, vai trò của KTNN trong "công cuộc" kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước và tài sản quốc gia; những điều kiện cần và đủ để KTNN hoạt động thực sự có hiệu quả, phát huy quyền dân chủ của nhân dân.
Thưa ông, ông đánh giá ra sao về vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc làm lành mạnh nền tài chính quốc gia?
Trước hết, cần phải khẳng định rằng chỉ với gần 20 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã thể hiện vai trò rất quan trọng - là công cụ kiểm tra, kiểm soát tài chính không thể thiếu của nhà nước pháp quyền. Hoạt động của KTNN là độc lập, đã phục vụ việc kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), tiền và tài sản của nhà nước; góp phần chống lãng phí, thất thoát; phát hiện và ngăn chặn hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
Với chức năng kiểm tra, đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của các thông tin, số liệu tài chính và NSNN, KTNN đã góp phần đảm bảo tính minh bạch, đặc biệt minh bạch tài chính trong hoạt động của nhà nước thông qua kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động. Thông qua kiểm toán báo cáo tài chính với đối tượng trực tiếp là các báo cáo về NSNN (dự toán NS, phương án phân bổ và quyết toán NS), KTNN đã đưa ra những đánh giá có bằng chứng về độ tin cậy của số liệu dự toán và quyết toán NS. Qua đó, cung cấp những dữ liệu vô cùng quan trọng cho Quốc hội, cho các cơ quan quản lý NN thấy rõ hoạt động kinh tế, tài chính, ngân sách. Cao hơn nữa là những kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung chính sách; chấn chỉnh, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành NSNN, sử dụng có hiệu quả tài sản, ngân quỹ quốc gia.
Tôi cho rằng, với xu thế phát triển hiện nay, ngoài chức năng kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước, KTNN cũng phải kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài sản quốc gia.
Như ông vừa đề cập, để làm tốt 2 chức năng quan trọng trên, KTNN cần có điều kiện gì để có hoạt động thật sự hiệu quả, phát huy quyền dân chủ của nhân dân?
Để thực hiện có hiệu quả 2 chức năng - kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước và tài sản quốc gia, địa vị pháp lý của KTNN phải được đưa vào Hiến pháp mới đảm bảo sự vững chắc bằng luật pháp; KTNN phải là cơ quan độc lập, như một bộ phận rất quan trọng không thể thiếu trong việc điều tiết nền kinh tế quốc dân.
Ở các nước phát triển, KTNN có địa vị pháp lý rất cao, được quy định trong Hiến pháp - Luật NSNN; cơ quan KTNN nằm ở nhánh Tư pháp chứ không nằm ở nhánh Lập pháp. Bản thân KTNN không phải phải là cơ quan giúp việc cho Quốc hội, mà nằm độc lập như một phương tiện của Nhà nước, độc lập với Quốc hội, độc lập với cơ quan hành pháp. KTNN là cơ quan chuyên môn sâu về nhánh Tư pháp kiểm tra về tài chính công.
KTNN phải là cơ quan kiểm tra của nhà nước, bất cứ ở đâu có nguồn lực tài chính nhà nước, sử dụng tài sản quốc gia, Kiểm toán NN đều được "sờ" đến. Vì vậy, một sự kiểm tra tài chính công rộng lớn và phức tạp sẽ đụng chạm đến lợi ích của nhà nước và quyền lực của cá nhân chức quyền, nên hoạt động của KTNN phải đứng ngoài hoạt động của hệ thống tài chính, đứng độc lập với hoạt động tài chính, chỉ tuân theo pháp luật, vì vậy Hiến pháp - pháp luật phải quy định địa vị pháp lý cho hoạt động này. Có như vậy, KTNN mới thực thi được chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn một cách đúng đắn, có hiệu lực, hiệu quả, làm cơ sở cho việc xác định nhiệm vụ và quyền hạn của KTNN trong các Luật khác, đặc biệt là Luật NSNN.
Theo ông, đối với một nhà nước pháp quyền, nên đặt vị trí của Tổng KTNN như thế nào cho phù hợp để phát huy được vai trò, chức năng của Tổng Kiểm toán?
Ở nhiều quốc gia, Hiến pháp - Luật cao nhất của một đất nước đều quy định vị thế của cơ quan KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Ở Nghị viện/Quốc hội, bao giờ Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng được bố trí một ghế riêng trang trọng. Tổng Kiểm toán Nhà nước ở vị trí trung dung, ngồi nghe và nếu cần sẽ đưa ra những ý kiến độc lập, xác đáng và rất trung thực.
Theo tôi, Tổng Kiểm toán Nhà nước phải được đảm bảo quyền độc lập, quyền bất khả xâm phạm được Hiến định như đại biểu Quốc hội. Cần phải quy định vị trí của Tổng Kiểm toán Nhà nước tại các kỳ họp của Quốc hội, bố trí ghế, bục riêng cho Tổng Kiểm toán ngồi, để các đại biểu Quốc hội đều nhìn thấy. Rất cần bố trí cho ông Tổng Kiểm toán dự những phiên liên quan đến thảo luận kinh tế, tài chính, được quyền trình bày những vấn đề liên quan đến kinh tế, tài chính mà đại biểu Quốc hội yêu cầu.
Tôi cho rằng, Hiến pháp sửa đổi lần này nên quy định thêm quyền năng và trách nhiệm của Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc phê chuẩn và phân bổ nguồn lực NN. Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng phải được quyền tham gia ngay trong khâu Chính phủ trình phân bổ nguồn lực của Nhà nước ra Quốc hội, tham gia ý kiến xác đáng về chuyên môn và tính độc lập trong quá trình kiểm toán (định mức, tiêu chuẩn, kẽ hở pháp lý, lỗ hổng trong quá trình thực hiện chính sách...), cung cấp những thông tin, dữ liệu quan trọng cho Quốc hội, cho các cơ quan quản lý nhà nước thấy rõ hoạt động kinh tế, tài chính, ngân sách và những kiến nghị hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung chính sách, giúp Chính phủ, Quốc hội bố trí nguồn lực tài chính, tài sản quốc gia một cách chặt chẽ.
Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng phải được toàn quyền về kế hoạch và chương trình kiểm toán trong 1 năm và trong trung hạn mà không bị bất cứ một "thế lực" nào can thiệp.
Tổng Kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu KTNN, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức và hoạt động của KTNN. Tổng KTNN báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tổng KTNN do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước là 5 năm.
Thưa ông, với tư cách nguyên là Phó chủ nhiệm UBKT&NS của QH khóa 11, Chuyên gia cao cấp của Quốc hội, ông có thể cho biết Quốc hội đã sử dụng kết quả kiểm toán trong đánh giá và quyết định nhiệm vụ KT - XH, ngân sách nhà nước như thế nào?
Do hoạt động của KTNN là hoạt động độc lập, đánh giá và xác nhận một cách khách quan về thông tin kinh tế - tài chính. Vì vậy, kết quả kiểm toán hàng năm, báo cáo từng cuộc kiểm toán của KTNN là nguồn thông tin tin cậy, có giá trị pháp lý cao giúp Quốc hội trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và đảm bảo thực quyền của Quốc hội trong các quyết định về tài chính - ngân sách và quản lý, sử dụng nguồn lực quốc gia.
Hàng năm, Quốc hội thảo luận và quyết định về dự toán NSNN, về phương án phân bổ ngân sách trung ương, về quyết toán NSNN được căn cứ vào nhiệm vụ phát triển KT - XH hàng năm, yêu cầu đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn trật tự xã hội.... qua hoạt động giám sát, qua tổng hợp ý kiến của cử tri cả nước,qua những cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, các công ty tư vấn độc lập... và đặc biệt là kết quả kiểm toán hàng năm của KTNN là một nguồn thông tin quan trọng giúp Quốc hội sử dụng trong quyết định và giám sát NSNN.
Ủy ban tài chính - ngân sách - cơ quan của Quốc hội đã tổ chức đánh giá và khai thác nội dung các báo cáo kiểm toán Nhà nước, tổng hợp và chọn lựa các kết quả của Kiểm toán Nhà nước để phục vụ cho việc đưa ra ý kiến thẩm tra các báo cáo của Chính phủ. Nhưng hiện nay vẫn chưa hình thành được quy trình riêng trong việc đánh giá và khai thác, sử dụng nội dung của các loại báo cáo kiểm toán của KTNN như: Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán hàng năm; Báo cáo công khai kết quả kiểm toán; Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN; Báo cáo kiểm toán đột xuất và Báo cáo kết quả từng đợt kiểm toán cụ thể. Do mỗi loại báo cáo kiểm toán có những nội dung, thông tin và ý kiến đánh giá khác nhau, trong phạm vi khác nhau, nên rất cần có một bộ phận của Quốc hội, của các cơ quan chức năng nghiêm cứu, đọc, hiểu, lựa chọn và khai thác những nội dung có ích, phù hợp và phục vụ trực tiếp cho những phân tích, nhận định có chủ định trong hoạt động thẩm tra, thảo luận và quyết định về NSNN của Quốc hội.
Chính vì vậy, kết quả kiểm toán của KTNN được Quốc hội sử dụng chưa nhiều, do Quốc hội chưa có bộ phận chuyên môn chuyên phân tích, đánh giá, chọn lọc kết quả kiểm toán để cung cấp cho Quốc hội trong từng lĩnh vực kinh tế, xã hội cụ thể.
Tôi cho rằng, Quốc hội nên có một ban chuyên môn để khai thác, phân tích và sử dụng kết quả kiểm toán với những nội dung cụ thể, phục vụ đối tượng cụ thể của Quốc hội, đặc biệt là những vấn đề có tính chiến lược của nền kinh tế, nền tài chính quốc gia; những vấn đề cử tri quan tâm; những vấn đề có nhiều vi phạm, sơ hở trong điều hành và quản lý; những vấn đề đã đề cập nhưng chưa được quan tâm giải quyết... những vấn đề trọng tâm về kinh tế, tài chính, quản lý và sử dụng nguồn lực quốc gia, giúp Đại biểu Quốc hội yên tâm hơn khi sử dụng những thông tin này để chất vấn trong các kỳ họp của Quốc hội.
Trân trọng cảm ơn ông!
Khánh Vy thực hiện