Với góc độ là cơ quan hướng dẫn chi tiết Pháp luật thuế, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư 60/2007/TT-BTC, Thông tư 61/2007/TT-BTC, Thông tư số 62/2007/TT-BTC cùng ngày 14/6/2007; Thông tư 85/2007/TT-BTC ngày 18/7/2007 hướng dẫn Luật quản lý thuế cho từng khâu công việc có liên quan. Trong phạm vi bài viết này xin được bàn thêm về vấn đề khai thuế theo qui định của Luật Quản lý thuế.
Thứ nhất, về khai thuế giá trị gia tăng (GTGT)
Mục II, Phần B Thông tư 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về khai thuế GTGT. Theo đó, các loại hồ sơ và thời hạn khai thuế GTGT đã được nêu cụ thể cho các trường hợp khác nhau. Với riêng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ về cơ bản hồ sơ khai thuế gồm tờ khai (Mẫu 01/GTGT), các bảng giải trình nếu có điều chỉnh, bổ sung và các bảng kê hoá đơn chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra theo mẫu thống nhất.
Về các bảng kê sử dụng: Theo Thông tư 60/2007/TT-BTC, Bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá dịch bán ra lập thống nhất theo mẫu 01-1/GTGT; Bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá dịch mua vào thực hiện thống nhất theo mẫu 01-2/GTGT. Bảng kê 01-2/GTGT đã thể hiện rõ bản chất và phục vụ tốt yêu cầu tính thuế GTGT. Trên bảng kê đã phân loại cụ thể các hoá đơn, chứng từ đầu vào theo nhóm hàng hóa, dịch vụ đầu ra để tính thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, được hoàn được chính xác trên nguyên tắc: Hàng hóa dịch vụ chịu thuế GTGT thì được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, Hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT thì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, trong trường hợp khoản đầu vào sử dụng chung cho hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và cả không chịu thuế thì phải phân bổ theo doanh thu chịu thuế trên tổng doanh thu thực hiện trong kỳ và được điều chỉnh chính thức vào cuối năm. Tuy vậy cũng cần có một loại bảng kê để tập hợp các khoản hàng hóa, dịch vụ đầu vào không có hóa đơn GTGT hoặc là các khoản không phải sử dụng hóa đơn theo qui định khi mua, bán hàng hóa. Như vậy cũng để nắm bắt được đầy đủ giá trị hàng hóa mua vào trong kỳ tại các doanh nghiệp, phục vụ cho các công việc quản lý cũng như tính các loại thuế khác có liên quan, đồng thời số liệu này cũng đảm bảo cho tính thống nhất giữa tờ khai thuế GTGT và các bảng kê.
Ở khía cạnh khác, thực tế cho thấy khi thực hiện việc tập hợp chứng từ, hóa đơn theo mẫu qui định mới, nhiều doanh nghiệp lúng túng trong cách hiểu các chỉ tiêu trên các bảng kê nếu không được giải thích cụ thể hơn từ các cơ quan chuyên môn, vì vậy, cần lưu ý về cách gọi các tiêu thức trên các mẫu bảng kê này để việc hiểu và khai thuế được chính xác, thuận lợi theo đúng yêu cầu quản lý, trong trường hợp cần thiết sửa đổi thì nên có đính chính kịp thời.
Thứ hai, về khai thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Hai loại tờ khai thuế mà doanh nghiệp phải thực hiện thường xuyên kể từ khi Luật Quản lý thuế có hiệu lực là tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp theo quý và tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm (trước đây gọi là tờ khai tự quyết toán thuế TNDN).
Một là, về tờ khai tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý: Áp dụng theo hai trường hợp:
Đối với trường hợp người nộp thuế kê khai đầy đủ chi phí thực tế phát sinh của kỳ tính thuế thì sử dụng tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp quý theo mẫu số 01A/TNDN.
Đối với trường hợp người nộp thuế không kê khai đầy đủ chi phí thực tế phát sinh của kỳ tính thuế thì sử dụng tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp quý theo mẫu số 01B/TNDN. Trường hợp này sử dụng chỉ tiêu tỷ lệ thu nhập tính thuế và xác định nó căn cứ vào kết quả thực hiện trong năm tài chính liền kề.
Về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế TNDN quý chậm nhất là ngày thứ ba mươi của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
Như vậy, việc khai thuế TNDN theo quý đã tiến gần hơn với thực tế kết quả của doanh nghiệp và tính theo khoảng thời gian ngắn hơn, khắc phục tình trạng "kế hoạch hóa" thuế TNDN phải nộp như trước đây (Thuế TNDN trước đây được lập kế hoạch theo mẫu 02A/TNDN tại Thông tư 128/2003/TT-BTC của Bộ Tài chính và là căn cứ chủ yếu để thực hiện tạm nộp thuế TNDN theo quý nếu không có điều chỉnh vào giữa năm).
Cùng với qui định kê khai mới này, để đơn giản và thuận lợi hơn cho người nộp thuế thì mặc dù chưa có qui định chi tiết thi hành Nghị định số 24/2007/TT-BTC ngày 14/2/2007 về thi hành Luật Thuế TNDN nhưng theo chúng tôi nếu có thể, nên quy định bỏ việc sử dụng lập tờ khai thuế TNDN theo mẫu 02A/TNDN tại Thông tư 128/2003/TT-BTC.
Trường hợp khác, đối với các đơn vị có bán hàng thông qua mạng lưới đại lý cấp 2 là các hộ kinh doanh thì đơn vị cung cấp hàng cho các đại lý phải thực hiện khai khấu trừ thuế TNDN (5) tiền hoa hồng cho các cá nhân này bằng Tờ khai thuế TNDN khấu trừ từ tiền hoa hồng đại lý theo mẫu số 05/TNDN. Đây là tờ khai theo tháng và thời gian nộp chậm nhất là ngày thứ hai mươi của tháng tiếp sau tháng phát sinh nghĩa vụ thuế. Qui định này làm cho việc quản lý thuế TNDN được toàn diện và thống nhất hơn.
Hai là, về khai quyết toán thuế TNDN:
Theo qui định, hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, gồm:
- Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo mẫu số 03/TNDN;
- Báo cáo tài chính năm hoặc Báo cáo tài chính đến thời điểm chấm dứt hoạt động kinh doanh, chấm dứt hợp đồng, chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp, tổ chức lại doanh nghiệp;
- Tài liệu liên quan đến quyết toán thuế (các phụ lục về quyết toán thuế).
Thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế: Chậm nhất là ngày thứ chín mươi kể từ khi kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán năm và chậm nhất là ngày thứ bốn lăm kể từ khi chấm dứt hoạt động kinh doanh, chấm dứt hợp đồng, chuyển đổi hình thức sở hữu, tổ chức lại doanh nghiệp.
Qua so sánh cho thấy tờ khai quyết toán thuế TNDN năm mẫu mới so với tờ khai tự quyết toán thuế TNDN (mẫu cũ) thì thấy mẫu mới thiết kế gọn hơn nhưng vẫn đảm bảo tính tự khai, tự chịu trách nhiệm của người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế có liên quan theo đúng tinh thần của Luật. Ở đây nổi bật là việc điều chỉnh thuế TNDN giữa chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành và qui định của Luật thuế TNDN.
Thứ ba, về khai bổ sung, điều chỉnh
Một trong những điểm mới của qui định khai thuế theo Luật Quản lý thuế 2006 là việc áp dụng triệt để cơ chế: "tự khai, tự nộp". Theo đó, trường hợp Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót, nhầm lẫn gây ảnh hưởng đến số thuế phải nộp thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế. Hồ sơ khai thuế bổ sung được nộp cho cơ quan thuế vào bất cứ ngày làm việc nào, không phụ thuộc vào thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của lần tiếp theo, nhưng phải trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.
Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng số tiền thuế phải nộp, người nộp thuế tự xác định số tiền phạt chậm nộp căn cứ vào số tiền thuế chậm nộp, số ngày chậm nộp và mức xử phạt theo quy định tại Điều 106 Luật Quản lý thuế. Trường hợp người nộp thuế không tự xác định hoặc xác định không đúng số tiền phạt chậm nộp thì cơ quan thuế xác định số tiền phạt chậm nộp và thông báo cho người nộp thuế biết để thực hiện.
Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm số thuế phải nộp, người nộp thuế được điều chỉnh giảm tiền thuế, tiền phạt (nếu có) tại ngày cuối cùng của tháng nộp hồ sơ khai bổ sung; hoặc được bù trừ số thuế giảm vào số thuế phát sinh của lần khai thuế tiếp theo sau khi đã nộp hồ sơ khai thuế theo qui định, trước khi cơ quan thuế thực hiện việc kiểm tra hồ sơ.
Tuy vậy, một vấn đề còn vướng mắc là trong cùng một kỳ khai bổ sung, điều chỉnh có các chỉ tiêu điều chỉnh, bổ sung khác nhau: Có cả chỉ tiêu làm tăng số thuế phải nộp, có chỉ tiêu làm giảm số thuế phải nộp (ví dụ điều chỉnh cả chỉ tiêu thuế đầu vào và thuế đầu ra) thì cơ sở để tính phạt nộp chậm là căn cứ vào chỉ tiêu làm tăng số thuế phải nộp hay là số bù trừ giữa các chỉ tiêu tăng và các chỉ tiêu giảm. Đây là điểm cần phải được hướng dẫn rõ hơn, nếu không rất dễ nhầm lẫn nhất là trong điều kiện mẫu biểu thực hiện chưa hoàn toàn thống nhất do việc áp dụng kỹ thuật kê khai theo phần mềm hỗ trợ kê khai thuế HTKK (mẫu cũ) và theo mẫu mới tại Thông tư 60/2007/TT-BTC.
Thứ tư, vấn đề hỗ trợ khai thuế
Ngay cả trước khi Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành, ngành thuế đã rất cố gắng trong hỗ trợ việc kê khai thuế: Đã cung cấp các mẫu biểu, hỗ trợ trực tiếp việc khai thuế cho các doanh nghiệp tại các bộ phận Tuyên truyền - Hỗ trợ của ngành thuế các cấp; Ngành cũng đã triển khai và cung cấp hoàn toàn miễn phí phần mềm hỗ trợ kê khai thuế (HTKK) cho rộng rãi các doanh nghiệp. Đây là phần mềm áp dụng công nghệ tiên tiến theo mã vạch 2 chiều, giảm thiểu thời gian khai thuế của doanh nghiệp cũng như thời gian kiểm tra, nhận tờ khai hàng kỳ tại cơ quan thuế. Tuy vậy, khi Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành thì việc nâng cấp phần mềm hỗ trợ kê khai thuế (HTKK) mà ngành thuế đã cung cấp cho các các doanh nghiệp và làm tương đối hiệu quả từ trước nay cần phải được nhanh chóng thực hiện, nhằm phù hợp với qui định mới của Luật và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp tục áp dụng (Bộ Tài chính đã cho phép tiếp tục sử dụng các mẫu cũ trên ứng dụng HTKK đến hết tháng 12/2007 theo Công văn 10490/BTC-TCT ngày 07/8/2007).
Nhìn chung có thể thấy, việc giao dịch thực hiện nghĩa vụ với nhà nước của các tổ chức và cá nhân trước hết thể hiện ở ý thức và công việc đầu tiên là khai thuế (mà cụ thể là lập các tờ khai tương ứng). Với ý nghĩa đó, việc đặt ra yêu cầu rõ ràng, thống nhất, đơn giản nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ trong qui định cho vấn đề này cần được quán triệt đầy đủ và thích hợp.
Tài liệu tham khảo:
- Luật Quản lý thuế 2006;
- Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 10/12/2003 của Chính phủ ngày 25/5/ 2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật quản lý thuế
- Nghị định số 24/2007/TT-BTC ngày 14/2/2007 về thi hành Luật Thuế TNDN
- Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT)
-Thông tư 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế
- Thông tư số 127/2004/TT-BTC ngày 27/12/2004 của Bộ tài chính Sửa đổi Thông tư số 127/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 và Thông tư số 84/2004/TT-BTC ngày 18/8/2004 của Bộ Tài chính về mẫu tờ khai và hướng dẫn lập tờ khai thuế giá trị gia tăng.
- Thông tư 128/2003/TT-BTC của Bộ Tài chính Sửa đổi Thông tư số 127/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 vàThông tư số 88/2004/TT-BTC ngày 01/09/2004 của Bộ Tài chính về mẫu tờ khai tự quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và hướng dẫn lập tờ khai tự quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.