Thụy Sĩ đã thực hiện Chương trình hợp tác phát triển quốc tế (IDC) theo khuôn khổ các cam kết song phương và đa phương từ những năm 1960. Thụy Sĩ đã và đang tài trợ cho các dự án của IDC tại khoảng 80 quốc gia trên thế giới. Riêng trong năm 2012, tổng ngân sách Thụy Sĩ đã dành cho các chương trình tài trợ này khoảng 2,8 tỷ CHF (tiền Thụy Sĩ - tương đương 3,2 tỷ USD). Cơ quan Hợp tác và phát triển Thụy Sĩ (SDC) thuộc Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ là cơ quan chịu trách nhiệm chính thực hiện các chương trình này. Mục tiêu các dự án của SDC là xóa nghèo trong dài hạn và cải thiện điều kiện sống của người dân các nước nhận tài trợ.
Trong số những nước nhận viện trợ song phương, Văn phòng Kiểm toán Thụy Sĩ đã lựa chọn Nam Phi và Ấn độ để thực hiện cuộc đánh giá. Nam Phi là nền kinh tế lớn nhất châu Phi và là thành viên trong khối các quốc gia mới nổi BRICS. Bên cạnh những phát triển tích cực đáng chú ý của nước này, vẫn còn rất nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết. Những bất lợi kinh tế của số dân da đen và da màu vẫn chưa được loại bỏ một cách cơ bản sau sự chấm dứt của chế độ phân biệt chủng tộc Apatheid. Tỷ lệ thất nghiệp cao ở mức 24 và đặc biệt cao với người da đen.
Ấn Độ - quốc gia có số dân đông thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc là mảnh đất của sự “tương phản”. Một mặt, Ấn Độ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, mặt khác lại phải đối phó với nhiều vấn đề: đói nghèo lan rộng, dân số đông, ô nhiễm môi trường gia tăng hay xung đột sắc tộc và tôn giáo.
Thời kỳ Apatheid, SDC đã hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ ở Nam Phi trong lĩnh vực đào tạo, hỗ trợ cho các nhóm người da đen chịu thiệt thòi. Sau khi chế độ Apatheid chấm dứt, để đóng góp cho giai đoạn “chuyển giao”, năm 1994, SDC đã khởi động một chương trình đặc biệt kéo dài trong 10 năm đầu tiên của quá trình chuyển giao để giảm thiểu các căng thẳng của xã hội. Đến năm 2005, chương trình trên được chuyển hóa thành chương trình chung cho 15 nước khu vực Nam Phi, đặt lại các ưu tiên phù hợp với yêu cầu của khu vực lúc bây giờ gồm: quản trị, chống HIV/AIDS và an toàn thực phẩm.
IDC Thụy Sĩ có mặt ở Ấn Độ từ năm 1961, tập trung vào xóa nghèo ở khu vực nông thôn. SDC đã thành công trong việc mở rộng hỗ trợ tới các khu vực địa lý khác ở Ấn Độ, trên nhiều lĩnh vực khác như: quản lý tài nguyên thiên nhiên, tài chính, việc làm, năng lượng, xây dựng nhà cửa, quản trị, tăng cường nguồn lực con người, nguồn lực thể chế. Năm 2010, SDC đã kết thúc chương trình dài hạn xóa nghèo và định hướng lại chương trình phát triển tại Ấn Độ. Nay SDC tập trung vào các vấn đề toàn cầu về năng lượng và biến đổi khí hậu, trong đó trung tâm là trao đổi kiến thức và chuyển giao công nghệ.
Qua điều tra, Văn phòng Kiểm toán Liên bang nhận thấy tại thời điểm Thụy Sĩ rút lui tài trợ, 14 dự án được đánh giá đã đạt 40/51 mục tiêu đặt ra (chiếm 78).
Do thay đổi định hướng trong chiến lược hợp tác phát triển, Thụy Sĩ đã rút hỗ trợ đối với 14 dự án nói trên tại Nam Phi và Ấn Độ, khiến một số dự án trong số này phải ngừng lại hoặc đổi hướng. Theo đó, Chương trình IDC tại Nam Phi đã phải nhập vào chương trình chung của khu vực Nam Phi. Còn tại Ấn Độ, thỏa thuận song phương truyền thống của Thụy Sĩ đã kết thúc từ năm 2006, thay vào đó là những định hướng hỗ trợ mới.
Hiện tại, một số dự án tại Nam Phi đã không còn duy trì hoặc đã thay đổi hoạt động do nhiều lý do như: Chính phủ thay đổi chính sách ưu tiên, không đủ nguồn lực để duy trì hoặc các nhà tài trợ mới hướng đến hỗ trợ lĩnh vực khác. Tương tự, ở Ấn Độ, một số dự án đã bị giới hạn phạm vi địa lý hoặc phải giảm thiểu một số hoạt động nhất định và thay vào đó là các lĩnh vực hoạt động mới.
Theo ý kiến phản hồi từ những người được phỏng vấn, sự rút lui của Thụy Sĩ đã khá rõ ràng và có “trật tự”. Trong hầu hết các dự án trên, các đối tác địa phương đã được SDC thông báo sớm về việc chấm dứt hỗ trợ. Những người được hỏi còn cho rằng, Thụy Sĩ đã thực hiện các chương trình IDC trên tinh thần đối tác, hợp tác chứ không đơn thuần chỉ tài trợ theo một chiều.
Rõ ràng, SDC đã không đảm bảo được sự tham gia bảo lãnh từ phía Chính phủ nước nhận tài trợ cho việc duy trì các dự án sau khi Thụy Sĩ chấm dứt hỗ trợ. Về phía các tổ chức phi chính phủ, sau sự rút lui của nhà tài trợ, các tổ chức này sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp tục dự án do trước đây dựa chủ yếu vào nhà tài trợ. Trường hợp các tổ chức phi chính phủ muốn duy trì dự án buộc phải tìm nhà tài trợ mới, phải đối mặt với các hoạt động gây quỹ tốn kém trong khi đó vẫn phải chấp nhận các ưu tiên hoạt động theo yêu cầu của nhà tài trợ mới./.
Theo Báo Kiểm toán số 51/2013