Vụ Pháp chế

Vị trí và chức năng

          Vụ Pháp chế là đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước, có chức năng tham mưu, giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và tổ chức thực hiện công tác pháp chế trong phạm vi quản lý của Tổng Kiểm toán Nhà nước theo quy định của pháp luật; thẩm định tính pháp lý của dự thảo báo cáo kiểm toán.

Nhiệm vụ và quyền hạn

          1. Công tác xây dựng pháp luật:

          a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm, trung hạn và dài hạn của Kiểm toán Nhà nước; tổ chức việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo tình hình tiến độ thực hiện các chương trình sau khi được phê duyệt;

          b) Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Kiểm toán Nhà nước theo sự phân công của Tổng Kiểm toán Nhà nước; thẩm định về mặt pháp lý và chuẩn bị hồ sơ các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Kiểm toán Nhà nước soạn thảo trước khi trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành hoặc cấp có thẩm quyền ban hành;

          c) Tham gia với các cơ quan liên quan khi có yêu cầu của Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc xây dựng và thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác;   

          d) Thẩm định hoặc tham gia ý kiến về mặt pháp lý dự thảo văn bản quản lý của Kiểm toán Nhà nước do các đơn vị trực thuộc soạn thảo trước khi trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành;

          đ) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức chuẩn bị hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền thẩm định trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành;

          e) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tham gia góp ý đối với các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, địa phương gửi lấy ý kiến;

          g) Chủ trì tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước xây dựng, sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Kiểm toán Nhà nước; hướng dẫn và thẩm định dự thảo mới, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành;

          h) Phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước, thỏa thuận quốc tế trong phạm vi quản lý của Kiểm toán Nhà nước theo quy định của pháp luật.

          2. Công tác rà soát, hệ thống hoá và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật:

          a) Xây dựng và trình Tổng Kiểm toán Nhà nước kế hoạch rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và tổ chức thực hiện sau khi phê duyệt; đề xuất Tổng Kiểm toán Nhà nước phương án xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật;

          b) Định kỳ 06 tháng, hàng năm trình Tổng Kiểm toán Nhà nước kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Kiểm toán Nhà nước và phương án xử lý những quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, trái pháp luật hoặc không còn phù hợp;

          c) Chủ trì thực hiện pháp điển hoá hệ thống quy phạm pháp luật của Kiểm toán Nhà nước theo quy định của pháp luật.

          3. Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật:

a) Chủ trì xây dựng và trình Tổng Kiểm toán Nhà nước kế hoạch kiểm tra văn bản của Kiểm toán Nhà nước; tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt;

b) Tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý văn bản có quy định thuộc lĩnh vực kiểm toán nhà nước do các cơ quan khác ban hành;

c) Định kỳ 06 tháng, hàng năm báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác kiểm tra, xử lý văn bản.

          4. Trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính:

          a) Xây dựng và trình Tổng Kiểm toán Nhà nước chương trình, kế hoạch hàng năm về kiểm soát thủ tục hành chính của Kiểm toán Nhà nước và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt;

          b) Tiếp nhận, nghiên cứu và phân loại các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định trình tự, thủ tục và chuyển giao cho các đơn vị liên quan xử lý theo quy định; đôn đốc, kiểm tra và kịp thời tham mưu báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước biện pháp xử lý;

          c) Kiểm tra, tổng hợp, xây dựng báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện việc kiểm soát thủ tục và việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị về quy định thủ tục theo định kỳ hoặc đột xuất;

          d) Phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định về sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý của quy định về thủ tục và kiểm tra việc lấy ý kiến theo quy định đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định;

          đ) Tham gia tập huấn nghiệp vụ do Bộ Tư pháp tổ chức;

          e) Trong quá trình kiểm tra, tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện, nếu phát hiện đơn vị, công chức không thực hiện, thực hiện không đúng yêu cầu hoặc vi phạm quy định về kiểm soát thủ tục, kịp thời kiến nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước xử lý theo quy định của pháp luật.

          5. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật:

          a) Xây dựng và trình Tổng Kiểm toán Nhà nước chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật dài hạn, trung hạn và hàng năm và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;

          b) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước;

          c) Xây dựng nội dung, tổ chức biên soạn và phát hành tài liệu về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tham mưu Tổng Kiểm toán Nhà nước tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật;

          d) Cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có liên quan để phục vụ cho hoạt động của Kiểm toán Nhà nước;

          đ) Định kỳ 06 tháng, hàng năm tiến hành kiểm tra, sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước.

          6. Tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác kiểm soát thủ tục trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước theo quy định của pháp luật.

          7. Tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước thực hiện công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

          8. Tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước quản lý, thực hiện về công tác bồi thường của Nhà nước trong phạm vi hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

          9. Công tác tham mưu về các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng:

          a) Tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với việc xử lý các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của Tổng Kiểm toán Nhà nước; có ý kiến về mặt pháp lý đối với quyết định, văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng của Tổng Kiểm toán Nhà nước;

          b) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho Tổng Kiểm toán Nhà nước về các vấn đề pháp lý khi tham gia tố tụng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của Kiểm toán Nhà nước theo quy định của pháp luật;

          c) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tham gia xử lý, đề xuất, kiến nghị các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả các vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế theo sự phân công của Tổng Kiểm toán Nhà nước;

          d) Tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định việc niêm phong tài liệu, kiểm tra tài khoản của đơn vị được kiểm toán hoặc cá nhân có liên quan theo đề nghị của thủ trưởng đơn vị hoặc của Trưởng Đoàn kiểm toán.

          10. Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác với nước ngoài về pháp luật theo sự phân công của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

          11. Công tác thẩm định tính pháp lý của dự thảo báo cáo kiểm toán:

          a) Xây dựng, trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành các quy định về thẩm định tính pháp lý của dự thảo báo cáo kiểm toán;

          b) Tổ chức thực hiện thẩm định tính pháp lý của dự thảo báo cáo kiểm toán;

          c) Giải quyết những vấn đề phát sinh trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước khi được Tổng Kiểm toán Nhà nước giao.

          12. Quản lý công chức và người lao động theo quy định của Nhà nước và phân cấp của Tổng Kiểm toán Nhà nước; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về công tác thi đua - khen thưởng, kỷ luật, văn thư, lưu trữ, tuyên truyền, nghiên cứu khoa học của đơn vị theo quy định của Nhà nước; định kỳ hàng tháng, quý, năm hoặc đột xuất báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước kết quả công tác của đơn vị; quản lý các trang thiết bị của đơn vị.

          13. Thực hiện một số nhiệm vụ và quyền hạn khác khi được Tổng Kiểm toán Nhà nước giao hoặc uỷ quyền.

          (Trích theo Quyết định số 147/QĐ-KTNN ngày 14/02/2014 của Tổng Kiểm toán Nhà nước)